Sự thực về thời gian sử dụng Pin Laptop

Có hai điều cần nhớ về các bài kiểm định thời gian sử dụng Pin Laptop:
Một, chúng thường khác xa so với thực tế. Tôi không biết bạn thế nào, chứ loại Pin “5 tiếng” của tôi thường chết giữa chừng . 

 Hai, các quảng cáo Laptop thường sử dụng một từ rất mập mờ là “lên đến.” Như là “Lên đến 5 giờ.” 

“Lên đến” là một từ có tính dao động rất lớn. Tôi hoàn toàn có thể có được một chiếc Laptop có thời gian sử dụng Pin “lên đến” 1000 giờ chỉ bằng một lần sạc! Bởi “lên đến” có nghĩa là “một con số thấp hơn.” 

Nhưng vậy thì sao chứ? Ngành nào chẳng quảng cáo như vậy, đâu cứ gì Laptop, đúng không? 

Sai.

Năm 2003, ngành công nghiệp camera kỹ thuật số cũng gặp vấn đề tương tự. Hãng nào cũng quảng cáo thời gian sử dụng Pin của mình bằng những từ ngữ có cánh. Hãng nào cũng có giao thức kiểm định riêng và chẳng có cái nào gần với thực tế cả. Và chẳng mấy chốc khách hàng cũng nhận ra rằng các số liệu về Pin họ có được gần như vô nghĩa lý. 

Cuối cùng, CIPA (Hiệp hội sản phẩm hình ảnh và camera), đã phải ra tay. 

Họ phát triển một bài kiểm định chuẩn hóa dành cho thời gian sử dụng Pin. Trong đó cứ 30 giây bạn lại chụp một bức ảnh – một nửa có flash, một nửa không. Bạn Zoom ra Zoom vào liên tục với mỗi lần bấm máy. Bạn để màn hình bật suốt thời gian đó. Và cứ sau 10 lần bấm, bạn lại tắt camera đi một lúc. Cứ như vậy. 

Nói cách khác, họ kiểm tra camera khá giống với cách con người làm trong đời thực, sai lệch không đáng kể. 

Ngày nay, tất cả các camera đều được kiểm định và quảng cáo theo cách này. Và cách đánh giá của CIPA đã bắt kịp thực tế. 

Nhưng Laptop thì phức tạp hơn nhiều, đúng không? Thời gian sử dụng Pin Laptop bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố: số lượng ứng dụng được dùng , độ sáng màn hình, wireless… 

Nhưng các ngành khác cũng gặp vấn đề này. Ví dụ như điện thoại di động chẳng hạn: Pin hết nhanh hơn nhiều khi bạn gọi so với khi bạn mang trong túi. Hay xe hơi: bạn đi được lâu hơn trên đường cao tốc so với trong thành phố. Hay ngay cả với iPod: bạn sẽ nghe nhạc được lâu hơn so với khi xem video. 

Vậy là các nhà sản xuất đã làm một điều rất hợp lý – cho bạn biết con số tối đa/tối thiểu. 

Khi mua điện thoại di động, bạn sẽ thấy: “4 giờ gọi/300 giờ chờ.” Khi mua xe hơi, bạn sẽ được biết “26 dặm/gallon ở thành phố / 32 dặm/gallon trên đường cao tốc.” Còn nhìn vào chiếc iPod, bạn se thấy: “24 giờ nhạc/6 giờ video.” Và mọi người đều hài lòng. “

Nhưng còn với Laptop thì sao? Bạn chỉ biết “lên đến 5 giờ.” 

Điều này rất quan trọng, bởi thời gian dùng Pin là một yếu tố ghi điểm lớn. 

Vậy tại sao ngành công nghiệp máy tính không tạo ra một bài kiểm định Pin tiêu chuẩn? 

Thực ra là họ có. Con số « lên đến » này là kết quả của một bài kiểm định mang tên MobileMark 2007.

MobileMark có một số vấn đề. Đầu tiên là danh tính người sáng tạo ra nó. Đó là BAPCO ( Business Applications Performance Corporation), một tổ chức thương mại do Intel đứng đầu, gồm chủ yếu là các hãng chip và Laptop.   

Vậy là bài kiểm định tiêu chuẩn này lại được tạo ra bởi chính những công ty kiếm lời từ thời gian sử dụng Pin dài. Nghe hơi vô lý phải ko ? 

Một vấn đề khác: Khác với kiểm định camera của CIPA, giao thức kiểm định MobileMark không phản ánh đời thực. Hãy thử xem xét yếu tố màn hình. Đây là thành phần ăn điện nhiều nhất trên Laptop, vì thế cường độ sáng của nó vô cùng quan trọng. 

Và MobileMark mặc định độ sáng màn hình của bạn là 60 nit.   

Trong khi độ sáng tối đa trên Laptop hiện đại lên đến 250-300 nit. Kiểm định MobileMark, nói cách khác, đặt độ sáng quá thấp, điều mà người sử dụng ít khi làm. (Advanced Micro Devices cho biết 60 nit tương đương 20% độ sáng trên hầu hết các Laptop. Trong khi Intel nói con số này là gần 50%. Nhưng dù theo cách nào thì nó vẫn thấp.)

Hơn nữa, MobileMark không cho biết những tính năng tốn điện như Wi-Fi và Bluetooth có bật lên trong lúc kiểm tra hay không. Quyết định này là tùy vào các nhà sản xuất khi kiểm tra sản phẩm của chính mình. 

Và cuối cùng, có tới 3 bài kiểm tra MobileMark thực.

Trong kiểm định DVD, bạn sẽ chạy một đĩa DVD liên tục cho đến khi hết Pin – đây là trường hợp tệ nhất và có kết quả thấp nhất.   

Trong kiểm định Năng suất, một bộ phần mềm tự động sẽ thực hiện các công việc bàn giấy như tính toán Excel, thiết kế đồ họa Photoshop và gửi e-mail. Lẽ ra đây đã là bài kiểm định thực tế nhất – trừ việc nó không đưa vào trình duyệt web, iTunes, Windows Media Player, game và chương trình TV trực tuyến. 

Và bài cuối cùng mang tên kiểm định Đọc, giả sử bạn đang đọc một file PDF, mỗi trang khoảng 2 phút. Rõ ràng đây là trường hợp có kết quả cao nhất bởi nó không khác mấy so với việc để mặc Laptop. 

Vậy bài kiểm định nào trong 3 bài trên sẽ được đưa vào quảng cáo Laptop? 

Intel nói đó là kiểm định Năng suất, nhưng tại sao khách hàng không được biết cả 3 kết quả? 

Còn theo AMD. thì ngành công nghiệp Laptop cần áp dụng một bài kiểm định thực tế hơn, rồi công bố kết quả như với kiểm định điện thoại di động, iPod và xe hơi vậy. Họ đề xuất tạo ra logo mới ghi rõ hai trường hợp tốt nhất/tệ nhất. Ví dụ như “2:30 hoạt động mạnh/4:00 hoạt động nhẹ.”

Ý tưởng này có vẻ sẽ nhận được sự ủng hộ của tất cả mọi người. Nhưng theo báo cáo của AMD thì họ lại gặp phải “sự phản đối đáng kể” từ những ông lớn trong ngành. 

Intel, đối thủ chính của AMD., đặc biệt khó chịu với kẻ phá bĩnh này. Phát ngôn viên Bill Kircos của Intel cho rằng MobileMark là “một kiểm định sâu sắc, chặt chẽ và rất hợp lý.” Ngoài ra, nếu người mua không thích kiểm định này thì “vẫn còn rất nhiều các kiểm định, phản hồi, bài báo và thông tin độc lập để người dùng biết được Pin Laptop thực tế là gì, bên cạnh kiểm định 3 chiều của MobileMark.”

Đợi đã – chẳng lẽ người dùng phải bỏ ra hàng giờ để tìm kiêm thông tin trên mạng nhằm bù đắp cho thất bại của MobileMark hay sao?

Sao không tiết kiệm số thời gian này bằng cách tạo ra một bài kiểm định thực tế và tin cậy? Điện thoại di động, xe hơi và máy MP3 đã làm rồi, tại sao máy tính lại không? 

Thật đơn giản: con người sẽ trả nhiều tiền hơn khi họ nghĩ rằng mình được sử dụng Pin lâu hơn. Bằng cách lừa người dùng bằng những số liệu giả dối, các hãng máy tính và chip có thể kiếm được nhiều tiền hơn. 

(Phát ngôn viên của Intel cũng cho biết AMD chưa đề xuất một phương án kiểm định nào tốt hơn lên BAPCO – tổ chức mà AMD cũng là một thành viên. Nhưng AMD thì phản đối và cho rằng: “Mọi cuộc bàn luận của BAPCO đều là tuyệt mật. Nếu BAPCO sẵn sàng từ bỏ quy định này và công bố văn bản họp của họ, AMD sẵn sàng trò chuyện về những gì họ đã trình lên BAPCO.”) 

Không khó để nhận ra tại sao Intel lại muốn giữ nguyên thế trận hiện nay. Nhưng tại sao AMD lại muốn khuấy động vụ này lên? Theo kiểm định của các hãng tin công nghệ thì Laptop của AMD có thời gian sử dụng Pin ngắn hơn của Intel. Nhưng trong sử dụng thực tế thì khoảng cách giữa 2 hãng đã thu hẹp lại đáng kể.   

Vậy là mọi người đều có động cơ riêng của mình. Nhưng vì quyền lợi của mình, có lẽ chúng ta nên ủng hộ chiến dịch của AMD bởi nó phù hợp, công bằng và có lợi ích lâu dài. 

 

 \"\"\"\"