Những điều cần biết về màn hình LCD

Trước đây màn hình tinh thể lỏng (LCD) chỉ được sử dụng giới hạn trong notebook, nhưng giờ đây nó đã trở thành hiện thực với máy tính để bàn.
Lời mở đầu

 

Trước đây màn hình tinh thể lỏng (LCD) chỉ được sử dụng giới hạn trong notebook, nhưng giờ đây nó đã trở thành hiện thực với máy tính để bàn. Ba lợi thế lớn nhất của loại màn hình này so với kiểu màn hình truyền thống (như màn hình Ống tia Cathode) là: diện tích sử dụng nhỏ (đặc biệt đối với những màn hình có kích thước từ 17 inch trở lên), điện năng tiêu thụ thấp và hoàn toàn không rung hình, kể cả với tốc độ refresh 60 khung/giây (60 Hz). Trong bài viết này chúng tôi sẽ cho bạn biết tất cả những gì cần thiết khi chọn mua một chiếc LCD mới.  

Điều quan trọng nhất cần biết về công nghệ LCD là: màn hình LCD có độ phân giải cố định, được gọi là “native resolution” (độ phân giải nguyên bản), “maximum resolution” (độ phân giải tối đa) hoặc đơn giản chỉ là “độ phân giải” và bạn phải cấu hình desktop vào độ phân giải đó, nếu không ba điều sau đây sẽ xảy ra tuỳ từng model: 

1. Hình ảnh không được sắc nét mà sẽ trở nên nhoè với rất nhiều ô vuông. 

2. Màn hình sẽ tự đưa hình ảnh về độ phân giải mới, thu nhỏ kích thước hình ảnh và để lại một khung đen xung quanh. Ví dụ, nếu độ phân giải nguyên bản của chiếc LCD nhà bạn là 1280x960 nhưng bạn lại giảm xuống 800x600, tức là chiều ngang còn thừa 480 pixel (1280 - 800) và chiều dọc còn thừa 360 pixel (960 - 600). Hình ảnh sẽ bị thu nhỏ, đồng thời xuất hiện 240 pixel màu đen bên trên và bên dưới cùng với 180 pixel ở hai bên hình ảnh.

3. Màn hình sẽ cố căng hình ảnh ra toàn màn hình để không để lộ vùng đen xung quanh. Và công nghệ này không phải lúc nào cũng hoàn hảo 100% và vì thế bạn sẽ thấy nếu sử dụng độ phân giải nguyên bản, hình ảnh sẽ có độ nét cao hơn mặc dù các chi tiết trên màn hình (biểu tượng, chữ số..) sẽ trở nên nhỏ hơn. Nói chung bạn sẽ thấy hình ảnh bị lệch trọng tâm (mờ) nếu đặt cấu hình không đúng.  

Chính vì đặc trưng này của màn hình LCD nên bạn sẽ phải chọn một màn hình LCD có độ phân giải vừa ý. Độ phân giải cao không phải lúc nào cũng tốt bởi khi đó bạn sẽ có nhiều không gian hơn trên màn hình (nói cách khác, bạn đặt được nhiều thứ lên màn hình hơn), nhưng các biểu tượng và chữ số sẽ trở nên nhỏ hơn. Vì thế với một người dùng bình thường, độ phân giải phù hợp còn tuỳ thuộc vào từng ứng dụng. Nếu bạn chỉ dùng máy tính để lướt web, viết mail, dàn trang và gõ văn bản, có thể bạn chỉ cần một màn hình có độ phân giải thấp bởi chúng rẻ hơn và không làm các icon trở nên quá nhỏ. Nhưng nếu bạn định chạy các ứng dụng chuyên nghiệp như video hay trình xử lý ảnh, có thể bạn cần một màn hình lớn với độ phân giải cao.   

Còn nếu là một game thủ, chắc chắn bạn sẽ cần đến một màn hình có độ phân giải ở mức mà bạn muốn chơi, nếu không game trông sẽ rất tệ. Nói cách khác, nếu không bạn cần chỉnh độ phân giải của game tương đương với màn hình. Tất cả những người chơi game đều biết rằng khi bạn tăng độ phân giải của game, tốc độ game sẽ giảm xuống (bởi có nhiều pixel trên màn hình hơn), khi đó bạn cần nâng cấp card video mới. Hoặc bạn cũng có thẻ giảm độ phân giải, nhưng như đã nói, nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh game. 

Kích thước màn hình và tỉ lệ kích thước

Kích thước màn hình được tính bằng inch, đo theo đường chéo và chẳng liên quan gì tới độ phân giải hết. Vì thế màn hình lớn không đồng nghĩa với độ phân giải cao. Trên thực tế, có rất nhiều màn hình LCD lớn nhưng có độ phân giải thấp hơn so với những màn hình nhỏ. Nếu bạn gặp một màn hình lớn được bán với giá thấp hơn một màn hình nhỏ, chắc chắn màn hình nhỏ có dộ phân giải cao hơn. Nhưng điều này cũng không đảm bảo rằng chiếc màn hình nhỏ tốt hơn màn hình lớn mà nó còn phụ thuộc vào ứng dụng cần chạy. Những người cần có nhiều không gian  hơn trên màn hình (đặc biệt khi sử dụng ứng dụng biên tập hình ảnh và video) sẽ cần màn hình có độ phân giải lớn (ngay cả với một màn hình “nhỏ”). Còn người dùng bình thường lại nên dùng một màn hình lớn với độ phân giải thấp hơn, bởi độ phân giải thấp giúp ổn định kích thước icon và ký tự. Tất nhiên độ phân giải “thấp” ở đây là so với độ phân giải “cao hơn” của các màn hình khác. 

Tất nhiên bạn có thể tăng kích thước icon và ký tự bằng Control Panel trong Windows.

Tỉ lệ kích thước là tỉ số giữa chiều dọc và chiều ngang của màn hình. Loại màn hình CRT và màn hình LCD đời đầu (giá rẻ) có tỉ lệ kích thước 4:3 (hay1.33), tức là chiều rộng bằng 1.33 (4:3) lần chiều dài, hay chiều dài bằng 0.75 (3:4) lần chiều rộng. Gần đây những màn hình rộng có tỉ lệ kích thước lớn như 16:9 hay 16:10 ngày càng trở nên phổ biến.

Trong bảng dưới đây là những tỉ lệ kích thước cũng như độ phân giải thường gặp nhất. Những màn hình có tỉ lệ kích thước khác nhau vẫn có thể có cùng độ phân giải.  

Tỉ lệ kích thước

Độ phân giải thường gặp

4:3 (1.33)

640x480
800x600
1024x768
1280x960
1600x1200
1920x1440
2048x1536

5:4 (1.25)

1280x1024

15:9, 5:3 (1.66)

1280x768

16:9 (1.77)

1280x720
1920x1080

16:10 (1.60)

960x600
1280x800
1440x900
1680x1050
1920x1200
2560x1600

Các tính năng chính:

Trong phần này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những chức năng chính của màn hình video LCD và cách sử dụng chúng: 

  • Thời gian đáp ứng, hay còn gọi là tốc độ ( Response time): tính năng này đo thời gian màn hình chuyển môt pixel từ tắt (đen) sang mở (trắng). Thời gian này tính bằng miligiây và càng thấp càng tốt. Nếu màn hình có thời gian đáp ứng cao, bạn sẽ thấy hình ảnh bị mờ đi khi di chuyển với tốc độ cao (như trong game hay video playback). Ngày nay các loại màn hình có chỉ số response time từ 5ms trở xuống đã trở nên rất phổ biến. Đây cũng là mức chỉ số tối đa bạn cần dùng. Còn nếu bạn là một game thủ thì màn hình 2ms là phù hợp hơn cả. 
  • Độ sáng ( Brightness): Chỉ số này cho biết khả năng nhận biết hình ảnh trên màn hình trong môi trường sáng. Độ sáng được đo bằng đơn vị candela/m2 (cd/m2) và càng cao càng tốt. Đối với người dùng văn phòng bình thường, màn hình có độ sáng 300 cd/m2 hay 400 cd/m2 là vừa đủ, nhưng nếu màn hình của bạn được chiếu sáng trực tiếp hoặc được đặt ngoài trời thì nó cần có độ sáng cao hơn nhiều. 
  • Tỉ lệ tương phản ( Contrast ratio): Chỉ số này đo mức chênh lệch về độ sáng giữa mức sáng nhất và tối nhất của màn hình. Tỉ lệ này càng cao càng tốt bởi khi đó bạn càng dễ phân biệt giữa các màu với nhau, giúp đem lại chất lượng hình ảnh tốt hơn). Ví dụ như một màn hình LCD có tỉ lệ tương phản 600:1 sẽ tốt hơn một màn hình chỉ có tỉ lệ 400:1. Các loại màn hình LCD trên thị trường thường có tỉ lệ tương phản từ 400:1 đến 1000:1. Ngoài ra còn có một tỉ lệ tương tự là “DC” hay “Tỉ lệ tương phản động” có chỉ số cao hơn. Một số nhà sản xuất sử dụng DC thay cho tỉ lệ tương phản tĩnh. Nhưng bạn không thể so sánh hai tỉ lệ này với nhau. Ví dụ: một màn hình có tỉ lệ tương phản tĩnh 5000:1 sẽ có chất lượng hình ảnh cao hơn so với màn hình có tỉ lệ tương phản động 5000:1.
  • Tỉ lệ tương phản động ( Dynamic Contrast Ratio - DC ): Các màn hình có tính năng này sẽ hạ thấp độ sáng đèn sau của màn hình LCD tùy theo hình ảnh trên màn hình để có được tỉ lệ tương phản tốt hơn. Đây cũng là một cách tăng chất lượng hình ảnh mà không thay đổi tỉ lệ tương phản tĩnh. Như đã giải thích, bạn không thể so sánh giá trị DC với giá trị tĩnh. Một màn hình có tỉ lệ tương phản 1000:1 sẽ có hình ảnh đẹp hơn nhiều so với một màn hình có tỉ lệ DC 2000:1 nhưng tỉ lệ tĩnh chỉ có 400:1. Một số nhà sản xuất chỉ công bố tỉ lệ DC, đặc biệt là khi màn hình có DC cao nhưng tỉ lệ tương phản tĩnh lại thấp. Bất cứ khi nào nghe đến một loại màn hình được quảng cáo là tỉ lệ tương phản lên tới hàng nghìn, bạn có thể cược rằng nhà sản xuất đang nói đến tỉ lệ DC, không phải tỉ lệ tương phản thực. Vì thế hãy so sánh tỉ lệ tĩnh với tỉ lệ tĩnh và tỉ lệ động với tỉ lệ động. Tất nhiên tỉ lệ động là một tính năng đang chú ý, nhưng khi so sánh hai màn hình có mức DC bằng nhau, hãy chọn loại có tỉ lệ “thực” cao hơn. 
  • Góc nhìn ( Viewing Angle ): Tuỳ thuộc vào góc độ này giữa người dùng và màn hình, người dùng sẽ không thể xem được nội dung trên màn hình. Góc nhìn cho biết góc độ tối đa giữa người dùng và màn hình để người dùng có thể độc được nội dung trên màn hình. Thường thì chỉ số này gồm hai dữ liệu: góc ngang và góc đứng, bởi một số mẫu màn hình có góc nhìn đứng khác với góc nhìn ngang.  Nhưng do hầu hết người dùng đều ngồi thẳng trước màn hình nên chỉ số này cũng không có ý nghĩa mấy. Nhưng tuỳ thuộc vào ứng dụng (ví dụ như khi bạn treo màn hình lên tường để cho mọi người có thể đọc được thông tin ), chỉ số này sẽ trở nên rất quan trọng. 
  •  Kết nối  ( Connection): Màn hình LCD có thể sử dụng hai kiểu kết nối: VGA (sử dụng một loại ổ cắm gọi là D-Sub) hoặc DVI-D. Loại đầu tiên là kết nối analog, còn loại thứ hai là kết nối kỹ thuật số và đem lại hình ảnh đẹp hơn. Nói chung, bạn nên dùng kết nối DVI-D để kết nối màn hình với PC, nhưng điều này còn bị giới hạn bởi kiểu kết nối mà PC cho phép. Hiện tại tất cả các loại card video đều có hai output, trong đó card bình dân và tầm trung thường sử dụng một cổng VGA và một cổng DVI , còn card cao cấp sử dụng hai cổng DVI. Trừ khi chiếc PC của bạn là hàng bình dân với đồ hoạ tích hợp và chỉ cho phép một cổng VGA, còn lại bạn nên dùng cổng DVI. 
  • USB Hub : Một số loại màn hình có kèm cổng kết nối USB. Thiết bị này chẳng ảnh hưởng gì đến việc kết nối giữa màn hình với máy tính đã nói đến ở trên, mà chỉ giúp những ai sử dụng nhiều thiết bị USB trên máy tính như bàn phím, chuột, webcam, camera kỹ thuật số… làm việc thuận tiện hơn mà thôi. Thay vì có đến vài dây cáp nối với máy tính và gần chục cổng USB, bạn có thể nối tất cả mọi thứ vào một cổng kết nối USB và từ đó nối một dây duy nhất tới PC. 

 \"\"