Cách phục hồi dữ liệu đã mất từ ổ cứng

Ổ cứng hỏng là chuyện thường gặp với bất kỳ ai sử dụng máy tính. Và nếu bạn luôn chứa các dữ liệu không thể thay thế được trên ổ cứng của mình thì đây đúng là một thảm họa.
\"\"
 
Đây là các bộ phận cơ học trong một ổ cứng. Đĩa quay nằm rất rõ cùng với trục quay. Bạn cũng nhìn rõ cơ cấu truyền động và tay Đọc/Ghi.   

Ổ cứng hỏng là chuyện thường gặp với bất kỳ ai sử dụng máy tính. Và nếu bạn luôn chứa các dữ liệu không thể thay thế được trên ổ cứng của mình thì đây đúng là một thảm họa. Nhưng liệu bạn có thể phục hồi những tấm ảnh gia đình hay các văn bản tài chính mà lẽ ra bạn phải sao lưu nhưng lại chưa bao giờ làm? Vẫn còn chút hy vọng, vì thế đừng vội tống khứ những chiếc ổ cứng hỏng đi. 

Đầu tiên chúng ta sẽ nhận diện các dấu hiệu cho biết ổ cứng hỏng, giải thích các phần bên trong của ổ cứng và lý giải tại sao chúng lại hỏng, rồi tiến hành các bước để phục hồi chiếc ổ cứng của bạn. Tuy không phải lúc nào cũng phục hồi được tất cả các file nhưng dù sao cũng còn hy vọng.  

Hãy nhớ một điều – ngay cả khi có thể khôi phục được file, bạn vẫn phải mất hàng giờ nỗ lực liên tục và quá trình này cũng khá tốn kém. Vì thế cách tốt nhất để sửa một chiếc ổ cứng hỏng là gửi nó đến công ty trong thời hạn bảo hành rồi thay thế nó với ổ cứng dự phòng có chứa sẵn tất cả các file đã được sao lưu trên đó. 

Tại sao ổ cứng lại hỏng

\"\"
Đầu
Đọc/Ghi nổi ngay trên bề mặt đĩa từ. Một hạt bụi hay thậm chí một dấu vân tay cũng có thể làm hỏng đầu từ.  

Ổ cứng là một thiết bị cơ học với một số thành phần chuyển động. Các đĩa từ sẽ lưu dữ liệu, trong khi một trục quay cơ khí sẽ làm quay các đĩa từ. Một kim Đọc/Ghi sẽ di chuyển dọc đĩa, lấy thông tin hoặc ghi lên những thông tin mới. Cánh tay này di chuyển nhờ cơ cấu truyền động, còn đầu Đọc/Ghi thì tự di chuyển cách đĩa từ một khoảng cách không đổi rất nhỏ. Khoảng cách này nhỏ đến nỗi một hạt bụi cũng không thể lọt qua. 

Nếu một bộ phận cơ học nào đó trong ổ bị hỏng thì toàn bộ ổ sẽ hỏng theo. Các bộ phận này hoạt động với độ chính xác cực cao, vì thế ổ cứng cũng rất mỏng manh. Các bảng mạch điện, mô tơ quay, vòng bi – tất cả đều rất dễ hỏng. Kiểu hỏng tồi tệ nhất là hỏng đầu từ. Trong trường hợp đầu Đọc/Ghi sẽ rơi thẳng xuống bề mặt đĩa từ và làm hỏng mất phần từ tính. Khi đó dữ liệu sẽ biến mất hoàn toàn. Còn dữ liệu nằm trên phần không bị ảnh hưởng vẫn có thể phục hồi, nhưng thường thì dữ liệu trải đều trên đĩa từ nên việc hỏng đầu từ quả là một tin tệ hại. 

Các kiểu hỏng cơ học khác thì vừa là một thảm họa nhưng cũng là điều tốt. Tệ ở chỗ việc thay thế các phần  bị hỏng hoặc tìm ra ai đó sửa được chúng là rất khó và đắt đỏ. Nhưng cũng may ở chỗ chừng nào đĩa từ chưa bị hỏng thì dữ liệu vẫn nằm ở chỗ cũ. Nếu bạn sửa được ổ cứng thì vẫn sẽ truy cập được dữ liệu. 

Việc hỏng ổ cứng cũng có thể không liên quan tới cơ học. Chiếc máy tính của bạn sử dụng một danh mục và cấu trúc file đặc biệt để đọc tất cả các file chứa trên đĩa. Nếu danh mục này hỏng, máy tính sẽ không thể đọc được dữ liệu, tuy chúng vẫn nằm ở đó. Trong nhiều trường hợp, nếu dùng đúng phần mềm bạn vẫn có thể khắc phục được, tuy rằng việc này khá rủi ro.

Vẫn còn một vùng trên ổ đĩa có thể hỏng, và kiểu hỏng này đặc biệt khó xác định bởi thực ra ổ đĩa không hề hỏng – cái hỏng là giao diện kết nối giữa ổ đĩa với máy tính. Ổ cứng kết nối với bo mạch chủ máy tính qua rất nhiều giao diện, trong đó IDE, PATA và SATA là phổ biến nhất. Nếu kết nối này, hay mạch điện trên bo mạch chủ có nhiệm vụ quản lý đĩa (mạch điều khiển đĩa) bị hỏng thì các triệu chứng rất giống với việc ổ cứng hỏng.    

Dấu hiệu ổ cứng hỏng

Thường thì ổ cứng vẫn hỏng mà không hề báo trước. Một phút trước nó vẫn hoạt động bình thường, rồi bất ngờ màn hình xanh chết chóc xuất hiện và mọi dữ liệu của bạn biến mất. Vậy bài học ở đây là gì? Đó là đừng dự đoán dựa vào các dấu hiệu cảnh báo. Luôn tâm niệm rằng chiếc ổ cứng của bạn sắp hỏng và nhớ sao lưu dữ liệu thường xuyên. Nếu bạn làm đúng theo yêu cầu này, bạn sẽ tránh được rất nhiều phiền toái. 

Một số thành phần cơ học có thể hỏng từ từ, vì thế thỉnh thoảng bạn cũng biết trước được ổ cứng sắp hỏng. Các cảnh báo này gồm hai loại: âm thanh và hiệu suất làm việc . 

Nếu bạn dành nhiều thời gian ngồi gần máy tính, bạn sẽ trở nên quen thuộc với các âm thanh nó tạo ra. Khi ổ cứng phát ra những âm thanh bất thường, có thể đó là một manh mối. Những tiếng rít hay nghiến bất thường báo hiệu vòng bi hoặc mô tơ quay có vấn đề. Còn tiếng click, lách cách cho thấy kim Đọc/Ghi bắt đầu chuệch choạc. Đôi khi những âm thanh này rất nhỏ và khó nhận biết. Nếu bạn cảm thấy có những tiếng động kỳ lạ, hãy mở case và lắng nghe thật kỹ.   

Hiệu suất làm việc cũng là một biểu hiện thường gặp, trong đó có việc xuất hiện những nhịp tăng bất thường một cách thường xuyên . Tất nhiên điều này có thể báo hiệu rất nhiều vấn đề trên máy tính, từ virus cho tới rò rỉ bộ nhớ và các vấn đề chẳng liên quan gì đến ổ cứng. Ngoài ra có một triệu chứng sát hơn, đó là việc Lưu trữ ( Save )  hay di chuyển ( Move ) file bỗng dưng trở nên chậm bất thường. Khi gặp một trong các triệu chứng này, hãy nhanh tay sao lưu bất kỳ thứ gì và hy vọng bạn còn đủ thời gian để sao chép chúng sang một chiếc đĩa khác. 

Xử lí sự cố ổ bị chết

\"\"
Lắp Cable IDE lệch có thể khiến BIOS không nhận ra được ổ đĩa, nhưng vấn đề này có thể được khắc phục dễ dàng.  

Khi ổ đĩa có vẻ không thể cứu vãn được, bạn vẫn quyết định được vấn đề nằm ở đâu. Nếu máy tính bạn đang chạy Windows, điều đầu tiên cần làm là khởi động lại máy tính và truy cập BIOS, thường là bằng cách nhấn phím Delete trong quá trình khởi động – chú ý theo dõi thông báo trên màn hình. BIOS có một tiện ích chuyên tự động phát hiện ổ cứng. Hãy chạy tiện ích này và xem ổ cứng có xuất hiện không. Nếu không có, rất có thể kết nối giữa ổ cứng và bo mạch chủ có vấn đề. Kiểm tra tất cả các kết nối này. 

Còn nếu ổ cứng có xuất hiện thì bạn có thể chạy một số bài test chẩn đoán. Bạn cần thêm một chiếc máy tính khác để thực hiện việc này. Tìm số model và tên nhà sản xuất trên ổ cứng. Vào website nhà sản xuất và tìm phần mềm chẩn đoán của công ty này. Bạn cần download rồi ghi phần mềm đó lên CD-ROM hoặc đĩa mềm, tùy vào việc chiếc máy tính “chết” kia có thiết bị gì. Khởi động máy tính từ đĩa chẩn đoán rồi chạy. Các chẩn đoán này sẽ cho bạn biết vấn đề thực sự nằm ở đâu, tuy rằng nhiều khi nó không tìm ra vấn đề gì mặc dù ổ đĩa vấn không hoạt động.   

Bạn cũng có thể tạo một đĩa quét virus khởi động được và quét chiếc ổ hỏng xem có virus nào không. Nếu có bạn có thể sử dụng luôn đĩa này để khắc phục vấn đề. 

Nếu tất cả mọi việc đều đi đúng hướng thì bạn đã có được một bản chẩn đoán thô. Có thể bạn không biết chính xác điều gì đã xảy ra, nhưng ít nhất bạn cũng rút ra được một số thứ và thu hẹp phạm vi vấn đề. Nhưng còn nếu tất cả các bước trên đều vô tác dụng? Thử kết nối ổ cứng với một máy tính khác – một chiếc máy tính vẫn hoạt động tốt. Điều này sẽ giúp bạn biết liệu vấn đề có nằm ở ổ cứng hay không. 

Bạn cũng nên mở case và nghe thật kỹ ổ khi đang khởi động. Nếu nó hoàn toàn im lặng thì có nghĩa là đĩa từ không quay, một vấn đề khá nghiêm trọng. Còn nếu nó phát ra âm thanh kỳ lạ như đã đề cập ở trên? Có thể đó là dấu hiệu hỏng thiết bị cơ học. Còn nếu âm thanh hoàn toàn bình thường (tiếng huýt gió khi đĩa quay và quạt làm mát hoạt động – mặc dù các ổ đĩa có thể phát ra những âm thanh khác nhau), thì có thể vấn đề không nằm ở phần cơ học.   

Cách sửa ổ cứng

Vòng đời ổ cứng

Một số chuyên gia máy tính cho rằng ổ cứng có thể hỏng không lâu sau khi đươc cài đặt hoặc cũng có thể sau nhiều năm dùng đi dùng lại. Vòng đời kỳ vọng của một ổ cứng có thể xê dịch trong một khoảng rất rộng tùy thuộc vào bản thân ổ cứng và cả cách sử dụng nó, chưa nói đến cách chữa trị. Trung bình con số này là từ 3 đến 5 năm. Tuy nhiên đừng vội chủ quan khi chiếc ổ cứng của bạn mới được 1-2 tuổi bởi đây là một quy luật không chắc chắn và nhiều ổ cứng vẫn hỏng bất chợt. Hãy luôn nhớ sao lưu thường xuyên. 

Nếu bạn chắc chắn ổ cứng của mình đã bị lỗi cơ học thì bạn sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Ổ có thể sửa được và dữ liệu phục hồi lại được, nhưng bạn phải tìm đúng chuyên gia và có thể phải chi đến vài trăm tới vài ngàn đôla. Lý do chính là chuyên gia sẽ phải can thiệp vào các bộ phận bên trong ổ cứng trong một môi trường hoàn toàn “sạch sẽ.” Một hạt bụi rất nhỏ trên đĩa từ cũng có thể khiến ổ cứng không còn cơ hội cứu vãn.

Bạn cũng có thể tự sửa, nhưng phải tìm đúng thiết bị thay thế cho đúng loại model và phiên bản ổ cứng. Riêng việc này cũng là cả một vẫn đề (ngay cả với các chuyên gia khôi phục dữ liệu). Bạn có thể tự thay bo mạch vòng, nhưng mô tơ quay và đầu từ Đọc/Ghi thì rất khó. Ngoài ra cần chú ý rằng việc mở case ổ cứng sẽ làm rách tem bảo hành. Nếu bạn chọn cách này thì hãy nhớ đừng bao giờ chạm vào đĩa từ. Dầu từ đầu ngón tay bạn có thể làm hỏng ổ. 

Việc cấu trúc file hỏng hay chỉ mục đĩa hỏng có thể khắc phục bằng phần mềm chuyên dụng. Đó là các tiện ích như FDISK tích hợp trong hầu hết các hệ điều hành để dùng cho mục đích này, nhưng bạn phải rất cẩn thận. Việc thay một thành phần nào đó của ổ cứng hoặc format ổ có thể giải quyết vấn đề nhưng sẽ khiến bạn mất toàn bộ dữ liệu. Một cách khác là dùng một tiện ích khôi phục chuyên dùng như Disk Warrior , Easy Recover , GetData Back ... để sửa lỗi mà vẫn giữ được nhiều dữ liệu nhất có thể. Tuy nhiên một số file hỏng có thể không khôi phục được.   

Tiếp theo hãy đến với một số ví dụ về cách sửa ổ cứng. 

Một số cách sửa kỳ quặc

Dân mạng vẫn thường lan truyền một số cách sửa ổ đĩa rất kỳ quặc. Và những người bảo vệ cách làm này cho rằng chúng rất đáng quan tâm trong một số trường hợp khẩn cấp. Nếu ổ cứng có vẻ bị lỗi cơ học hoặc đơn giản là một lỗi mà bạn không thể sửa được, trong khi bạn không muốn hoặc không thể thuê chuyên gia khôi phục thì bạn có thể liều thử một lần cuối. 

Trước khi thử một trong những cách này, hãy đảm bảo rầng bạn đã sẵn sàng để khôi phục dữ liệu ngay tức khắc. Cách dễ nhất là chuẩn bị sẵn sàng kết nối để kết nối lại ổ đĩa chết với máy tính hoặc với đầu ghi DVD hay một ổ flash lớn để di chuyển dữ liệu. Đồng thời hãy nhớ rằng các phương pháp này có thể không hoạt động được, thậm chí là làm hỏng thêm ổ. Còn nếu không chắc về việc mình làm thì bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia. 

Đôi khi các phần cơ học trong ổ có thể bị gắn chặt hoặc mắc kẹt vào nhau. Một cú sốc điện thật mạnh sẽ giải phóng mọi thứ đủ lâu để lấy lại dữ liệu. Nên nhớ đây là cách làm trái ngược hẳn với cách sử dụng ổ cứng thông thường, vì thế bạn chỉ nên dùng nó  khi không còn lựa chọn nào khác. Đầu tiên, thử mở hai bên ổ bằng tuốc nơ vít hoặc một cái kẹp nhỏ. Nếu không có tác dụng, hãy nâng ổ lên khoảng 6 inch (15.2cm) cách mặt phẳng cứng rồi thả rơi (nhớ rằng khung kim loại sẽ va chạm với mặt phẳng). Nếu vẫn chưa được, hãy thử ở khoảng cách cao hơn một chút.  

Nhưng đây không phải cách chữa ổ kỳ cục nhất. Cách kỳ cục nhất là đông lạnh chiếc ổ cứng của bạn. Nhiệt độ thấp sẽ làm một số bộ phận kim loại co lại và giải phóng những phần mắc kẹt. Đặt ổ vào một chiếc túi ni lông buộc kín rồi bỏ vào ngăn đá. Thường thì bạn sẽ mất từ 2 – 24 giờ. Nếu bạn không còn gì để mất thì sao không thử một phen nhỉ? 

Ngoài ra vẫn còn một số cách sửa khác, nhưng chỉ có chuyên gia mới nên thử. Một số cách có thể giúp phục hồi dữ liệu từ các ổ bằng cách đốt, nung chảy hoặc dìm xuống nước. Thậm chí những ổ đã bị ngập trong trận lũ cũng vẫn phục hồi được. Các cách này bao gồm việc phục hồi đĩa từ và dùng các bộ phận cơ học mới để đọc các dữ liệu từ còn sót lại. Cách này buộc phải thực hiện trong một căn phòng thật sạch, vì thế bạn không thể thực hiện ở nhà. Cách này cũng rất đắt đỏ, nhưng nếu bạn không thể sống thiếu các dữ liệu này thì cũng đáng. 

 \"\"\"\"