7 lý do khiến bạn muốn từ bỏ Linux

Rất nhiều người dùng Windows đã tìm cách nhảy sang Linux (hoặc tò mò muốn biết sự thay đổi này ra sao) để rồi lại rời bỏ Linux để trở lại với Windows.

Những lý do họ đưa ra không còn phổ biến cho lắm, nhưng nó cũng khiến không ít người phải hối hận về sự chuyển đổi của mình.

Và dưới đây là 7 lý do đầu tiên khiến nhiều người quyết định tiếp tục gắn bó với Windows sau khi đã trải qua Linux: 

1. Linux không chạy được chương trình tôi cần. 

Nhiều người nhận xét rằng Linux không chạy được các phần mềm phổ biến như Photoshop hoặc Dreamweaver của Adobe. Tệ hơn, trong thế giới phần mềm nguồn mở chẳng có chương trình nào thay thế được các chương trình này.   

Đúng như vậy.

Vấn đề ở đây là các phần mềm họ nhắc đến thường là các phần mềm chuyên nghiệp. Còn hầu hết người dùng bình thường chẳng thèm quan tâm Dreamweaver là gì.   

Hầu hết những công việc thực hiện được trên Linux gần đây đã được cải tiến rất nhiều đối với người dùng bình thường. Giờ đây Linux đã có một trình duyệt xuất sắc và một bộ phần mềm văn phòng tuyệt vời. Nhưng lại chẳng có ai để tâm đến việc tái tạo lại những công cụ chuyên nghiệp như phần mềm thiết kế web cao cấp cả. 

Và giải pháp thật đơn giản: nếu bạn cần một công cụ đặc biệt nào đó cho công việc của mình thì bạn nên tiếp tục dùng Windows. Chẳng còn lựa chọn nào khác. 

2. Tôi cài Linux nhưng một thiết bị nào đó lại không hoạt động! 

Thật là khó tin, bởi tôi cũng từng cài Windows và trải qua tình trạng y hệt! Card đồ họa và cả wifi đều không sử dụng được. 

Có thể vấn đề ở đây nằm ở PC chăng?

Nhưng bạn có biết tôi đã làm thế nào không? Tôi đã tự sửa được mọi thứ. Có thể tôi may mắn có đủ kiến thức để làm việc này, nhưng ngay cả nếu không như vậy thì tôi vẫn có thể tìm được những giải pháp khác. Nhờ cậy đến những người thông minh hơn luôn là một cách làm đúng đắn. 

Còn nếu bạn muốn tự làm công việc này, có thể bạn sẽ gặp khó khăn do gặp phải những vấn đề lần đầu được biết. Nhưng trên mạng có rất nhiều thông tin và hướng dẫn hữu ích cho bạn. Ngoài ra, nếu tự mình sửa sang mọi thứ, bạn còn học được nhiều điều về hệ điều hành mới của mình. Hãy coi đây là một cơ hội thay vì một rào cản. 

Một số người còn chỉ ra rằng Linux có thể làm tốn thì giờ vàng ngọc của họ bởi họ phải thiết lập mọi thứ từ đầu. Nhưng với Windows cũng vậy thôi, vấn đề là ở chiếc PC của bạn. 

3. Tôi đã thử dùng Linux nhưng lại phải gõ lệnh! 

Thật vậy sao?

Nhưng kể cả như vậy thì cũng chẳng vấn đề gì. CŨng như trường hợp số 2, đây chẳng qua là một bài tập bằng tay để khởi động mọi thứ. Ví dụ như để chạy DVD trong Ubuntu, bạn sẽ phải gõ một lệnh nhất định sau khi download phần mềm. Nhưng sau khi làm xong một lần, DVD sẽ tự động chạy trong các lần tiếp theo. 

Nếu mỗi lần muốn DVD bạn lại phải gõ lệnh thì đúng là bạn có lý do để phàn nàn. Nhưng việc gõ một vài ký tự lạ cũng chẳng hại gì cả. 

Lại có một số người thích tỏ vẻ bề trên và áp đặt suy nghĩ của họ lên người khác. Theo ý họ, người dùng bình thường rất kém thông minh và không có khả năng gõ lệnh. Nhưng bạn biết đấy, sự thực thì không phải như vậy. 

4. Tôi làm thế này, nhưng kết quả lại khác. Điều này không xảy ra với Windows!   

Nhưng như vậy thì sao chứ? Linux không phải là bản sao của Windows. Mọi thứ trong Linux sẽ khác so với khi bạn dùng Windows, không tệ hơn mà cũng chẳng tốt hơn. Chúng chỉ khác nhau mà thôi. Và thay vì ca thán, bạn nên làm quen với sự khác biệt này. Nếu bạn không thể thích nghi được thì có lẽ vấn đề là ở bạn chứ không phải ở Linux. 

5. Tôi post một bài lên forum, nhưng người dùng Linux rất nhỏ nhen với tôi 

Đúng là một số thành viên cộng đồng ảo không được dễ chịu cho lắm. Bạn có thể bắt gặp họ ở bất cứ đâu trong cuộc sống. Bạn không thể đổ lỗi cho Linux vì sự xuất hiện của họ .

Nhưng thường thì trong phần lớn trường hợp, người dùng sẽ bực mình khi gặp phải một trong những tình huống sau: 

a) Tỏ ra quá hiếu chiến hoặc thù địch trong bài post của mình, hoặc trong trả lời của họ cho người khác. Đúng là bạn có thể thất vọng bởi không thể lái Linux theo ý muốn của bạn, nhưng hãy cố gắng kiếm soát cảm xúc của mình. 

b) Không tự tìm hiểu trước khi nhờ vả người khác, ví dụ như lục trong forum xem có chủ đề nào trùng với thắc mắc của mình hay không. Ít ai đủ kiên nhẫn để trả lời một vấn đề nhiều lần mà không nổi nóng. 

c) Không tôn trọng Linux và văn hóa của nó. Việc đổi hệ điều hành cũng giống như việc thay đổi đội bóng ưa thích vậy. Khi chat với các fan mới, bạn cứ liên tục ca ngợi đội bóng cũ của mình. Khi đó, ngay cả việc nhắc đến đội bóng cũ thôi cũng khiến người khác khó chịu.

6. Đơn giản là tôi không thích nó

Đây là nhận định “cùn” hết mức có thể. Như đã nói, Linux không phải dành cho tất cả mọi người. 

Nhưng nhận xét mà những người này đưa ra sẽ chỉ dẫn đến những cuộc tranh cãi không có điểm dừng về khả năng sử dụng của Linux – một từ có thể có ý nghĩa khác nhau đối với từng người. Ví dụ như: “Linux không dễ sử dụng như Windows hay OS X,” nhưng khi bảo họ đưa ra chứng cứ cho nhận xét của mình thì họ thậm chí chẳng buồn trả lời. 

Tất nhiên ý của họ là Linux quá xa lạ và khiến họ mất thời gian đến nỗi họ quyết định quay lại Windows. Tất nhiên đây là lựa chọn của họ. Nhưng ít ra họ không nên đưa ra đánh giá chủ quan như vậy, bởi đó chỉ là ý kiến cá nhân mà thôi. 

7. Tôi cài Linux và mọi thứ cứ rối tung lên 

Thường thì những người đưa ra nhận xét này cũng sẽ nói những câu kiểu như: “Tôi đã cài Linux và chương trình cài chết đứng giữa đường. Tôi cố khởi động nhưng chẳng có gì xảy ra, và thế là tôi lại phải gõ lệnh. Cuối cùng tôi cũng đến được desktop nhưng chẳng có chương trình nào hoạt động bình thường cả.” 

Đây là một câu chuyện gồm một chuỗi những thất bại, sai lầm. Và trớ trêu thay, mọi nỗ lực khắc phục của họ chỉ khiến tình hình tệ thêm. 

Trong các trường hợp thế này tôi cũng không biết nguồn gốc vấn đề nằm ở đâu. Nhưng chắc chắn tình huống này không thường xuyên xảy ra, và theo mục 6 trên đây, ta không thể đưa ra đánh giá chủ quan cho trường hợp này bởi nó chỉ xảy ra với một số người không may mắn. Nếu như người không may mắn đó là bạn thì hãy thử làm lại mọi việc từ đầu xem sao.