Đằng sau cuộc chiến với Samsung, Apple muốn tiêu diệt Google

Phán quyết của tòa án tiểu bang California hôm 24/0/2012 cho Apple thắng kiện, buộc Samsung phải bồi thường thiệt hại 1,2 tỉ đô la vì vi phạm bản quyền, thực sự đã gây chấn động làng công nghệ cao cấp.

Sự kiện sẽ còn có những tác động lên toàn bộ ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm thông minh của thế giới hiện đại. Dường như cuộc chiến bản quyền giữa các nhà khổng lồ trong lĩnh vực này mới chỉ bắt đầu.

Trước hết nói về thiệt hại của Samsung sau vụ kiện này. Mặc dù cho biết sẽ làm tất cả để kháng lại quyết định của tòa án San José nhưng trong những ngày qua cổ phiếu của Samsung liên tục giảm. Ngày hôm qua, tại thị trường Seoul, giá trị cổ phiếu của tập đoàn mất 7,5% (mức thấp nhất trong vòng 4 năm nay).

Nếu như vào ngày 20/9 tới, tòa án Mỹ quyết định buộc Samsung rút khỏi thị trường một số sản phẩm theo như yêu cầu của Apple thì việc kinh doanh của nhà chế tạo hàng điện tử cao cấp Hàn Quốc có thể coi như bị sập tiệm, ít ra là cũng trong vòng vài tháng.

Còn nếu như Samsung kháng án ? Các thủ tục pháp lý ở Mỹ vô cùng phức tạp, phán quyết về bản kháng án này sẽ không thể có trước năm 2014. Như vậy cũng đủ thời gian để hai bên chuẩn bị vũ khí cho mình. Vì vậy có thể nói vụ kiện này sẽ còn dai dẳng và phúc tạp.

Nhà sản xuất Hàn Quốc cũng chưa buông xuôi.  Samsung vẫn còn có những vũ khí lợi hại cho cuộc chiến này. Apple và Samsung vẫn lệ thuộc chặt chẽ lẫn nhau. Nhà chế tạo Hàn Quốc cung cấp 1/3 các linh kiện rời cho nhãn mác Mỹ, trong đó có màn hình phân giải cao vẫn gọi là « Retina ».

Theo các chuyên gia, trong năm 2012, Apple có thể đã phải bỏ ra 10 tỉ đô la để mua chi tiết thiết bị của Samsung, chiếm khoảng trên 5% doanh số của nhãn hiệu quả táo. Trong trường hợp căng quá, Samsung sẽ ngừng cung cấp linh kiện cho Apple, buộc nhà sản xuất Mỹ phải quay sang các hãng khác. Một giải pháp mà theo các nhà phân tích là quá tốn kém. Ngược lại Samsung cũng nắm giữ bằng sáng chế liên quan đến chuẩn « 3G » và Wi-Fi, mà Apple đã vi phạm vì không trả tiền bản quyền cho đối thủ cạnh tranh.

Đằng sau cuộc chiến với Samsung, Apple muốn tiêu diệt Google

Lãnh đạo quá cố của Apple, Steve Jobs đã từng tuyên bố rằng hệ thống khai thác dựa của Google, phần mềm Android là một sản phẩm « ăn cắp » và ông dự tính tuyên chiến với người khổng lồ của dịch vụ tìm kiếm trên mạng này. Có điều là Apple đã không thể tấn công Google trên mặt trận pháp lý bởi sản phẩm này không mang lại lợi nhuận hữu hình cho Google.

Vì thế khi tấn công vào Samsung, được cho là người cầm cờ của sản phẩm Android, Apple muốn nhắm vào Google. Cản chân Samsung trong thị trường Mỹ tức là Apple sẽ ngăn chặn được sự phát triển của Google trong thị trường điện thoại thông minh.

Nếu phán quyết phúc thẩm xử thắng cho cho Apple, sẽ có rất nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh đang khai thác phần mềm Android như HTC của Đài Loan, LG của Hàn Quốc, ZTE của Trung Quốc hay Sony của Nhật phải chuyển hướng sang phần mềm khác như Windows Phone .

Cuộc chiến bản quyền làm dấy lên nhiều vấn đề

Cuộc chiến bản quyền đang trở nên khốc liệt trong Thung lũng Sillicon. Số lượng các vụ kiện cáo nhau về bằng phát minh sáng chế giữa các nhà sản xuất không ngừng tăng. Tất cả các nhà chế tạo không ít thì nhiều cũng phải có lần dính vào một vụ tranh chấp sở hữu bản quyền.

Nhưng vụ kiện Samsung với chiến thắng thuộc về Apple đang đặt ra nhiều vấn đề mới, trong đó đặc biệt có vai trò của United States Patents and Trademark Office, cơ quan của Mỹ có chức năng quản lý việc đăng ký bản quyền. Cơ quan này đang bị chỉ trích đã cho đăng ký quá ồ ạt các phát minh sáng chế mà không có sàng lọc, dẫn đến sự chồng chéo lẫn nhau, một nguyên nhân dẫn đến tranh chấp. Xin lưu ý là tờ International Herald Tribune đã thống kê là trong một sản phẩm điện thoại thông minh có tới 250 nghìn bằng phát minh sáng chế.

Một vấn đề khác nữa là phán quyết của tòa án. Đa số các vụ kiện bản quyền tại Mỹ đều được đưa ra phân xử trước một hội thẩm đoàn nhân dân. Theo giới quan sát, các thẩm phán của bồi thẩm đoàn nhân dân thường không có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật cần thiết để đưa ra phán quyết cuối cùng một cách công bằng trong các vụ kiện bản quyền. Bằng chứng là trong vụ Apple-Samsung, bồi thẩm đoàn gồm một kỹ sư điện về hưu, một chủ cửa hàng bán xe đạp, một bà nội trợ và một cựu lính thủy.

Theo luật sư Amar tại Mỹ thì thường, các thẩm phán tìm mọi cách để hai bên tranh chấp tìm được một sự dàn xếp. Nhưng trong trường hợp Apple-Samsung không có giải pháp nào, « quả táo » quyết định đi đến cùng để làm gương dù biết có thể họ sẽ bị thua ở tòa phúc thẩm.