Web 3.0 sẽ làm việc ra sao?

Bạn vừa quyết định sẽ đi xem một bộ phim hài rồi sau đó kiếm chút thức ăn Mexico cay xé lưỡi cho bữa tối.
Đầu tiên, bạn bật máy tính, truy cập trình duyệt rồi vào Google để tìm danh sách các rạp chiếu phim và nhà hàng thích hợp. Bạn cần biết được bộ phim nào đang được trình chiếu ở rạp chiếu phim gần nhà, vì thế bạn phải bỏ chút thời gian để đọc thông tin về từng bộ phim trước khi quyết định. Sau đó bạn phải xem có nhà hàng Mexico nào gần rạp không. Ngoài ra bạn còn phải xem phản hồi của khách hàng về các nhà hàng đó. Tổng cộng bạn phải ghé thăm đến cả chục website trước khi bước ra khỏi nhà.  

 

\"/\"

Liệu trong tương lai chúng ta có thể truy cập web qua thiết bị tí hon hình đầu chuột này?   

Nhưng một số chuyên gia Internet cho rằng thế hệ web mới -- Web 3.0 -- sẽ giúp quá trình tìm kiếm của bạn trở nên dễ dàng hơn. Thay vì phải tìm kiếm nhiều lần, bạn có thể gõ cả một câu dài dòng phức tạp vào trình duyệt web 3.0, và web sẽ làm cho bạn mọi thứ. Ví dụ như bạn có thể gõ: “Tôi muốn xem một bộ phim hài rồi đi ăn tối ở một nhà hàng Mexico tốt. Tôi có những lựa chọn nào?” Sau đó web 3.0 sẽ phân tích yêu cầu, sục sạo trên mạng để tìm câu trả lời thích hợp, rồi đưa ra kết quả.   

Nhưng đây chưa phải là tất cả. Nhiều chuyên gia còn tin rằng trình duyệt Web 3.0 sẽ đóng vai trò như một người cố vấn. Khi tiến hành tìm kiếm, trình duyệt sẽ biết được sở thích của bạn. Bạn càng dùng web nhiều, trình duyệt càng hiểu hơn về bạn và tương tự, câu hỏi của bạn có thể rất chung chung nhưng trình duyệt vẫn hiểu được. Cuối cùng bạn chỉ cần hỏi một câu như “Tôi nên đi ăn trưa ở đâu?” Trình duyệt sẽ kiểm tra lại những lần tìm kiếm trước đó để xem bạn thích và không thích những gì, rồi đưa ra danh sách nhà hàng phù hợp.   

Video Gallery: Tương lai của Web và Media

Các công ty lớn nghĩ gì về tương lai web? Hãy xem đoạn video này trên PodTech.net để biết được quan điểm của Sean Maloney, trưởng bộ phận bán hàng và marketing của Intel về những công nghệ quan trọng trong tương lai. 

Để hiểu được chặng đường dẫn tới Web 3.0, hãy cùng tìm hiểu vị thế của công nghệ này hiện tại. Dưới đây là tóm tắt quá trình phát triển của web. 

Con đường tới Web 3.0

Trong số tất cả những thuật ngữ khoa trương về Internet mà chúng ta từng biết, có vẻ như Web 2.0 là nổi tiếng nhất. Nhưng mặc dù nhiều người biết đến thuật ngữ này, nhưng ít ai biết được chính xác Web 2.0 nghĩa alf gì. Một số người cho rằng đây là một thuật ngữ vô nghĩa, một mánh khoé marketing được bày ra để dụ các nhà đầu tư bỏ hàng triệu đôla vào web. Đúng là khi Dale Dougherty của O Reilly Media đưa ra thuật ngữ này, nó vẫn chưa có định nghĩa chính xác. Thậm chí cả việc có tồn tại cái gọi là Web 1.0 hay không cũng chưa rõ ràng. 

 \"/\"

YouTube là ví dụ tiêu biểu về Web 2.0 

Một số khác lại khẳng định rằng Web 2.0 hoàn toàn có thật. Nói một cách ngắn gọn, Web 2.0 có những đặc điểm sau:

·       Người dùng có khả năng thay đổi trang web: Amazon.com cho phép người dùng post phản hồi về sản phẩm. Qua một bảng tương tác, người dùng có thể đưa thông tin vào Amazon và những người dùng tiếp theo sẽ đọc được. 

·       Người dùng web kết nối với nhau dễ dàng hơn: Những mạng xã hội ảo như Facebook và MySpace trở nên phổ biến cũng một phần bởi chúng giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và liên hệ với nhau hơn. 

·       Chia sẻ thông tin nhanh chóng và hiệu quả: YouTube là một ví dụ tiêu biểu. Trong vòng chưa đầy một giờ, một thành viên YouTube có thể tạo ra một video và up nó lên website này để mọi người đều có thể xem được. 

·       Thu thập thông tin theo nhiều cách mới lạ: Hiện tại, người dùng Internet đã có thể đăng ký RSS của một website để nhận thông tin cập nhật từ website này bất cứ khi nào nối mạng. 

·       Máy tính không còn là công cụ duy nhất để kết nối Internet: nhiều người truy cập mạng qua những thiết bị khác như điện thoại di động hay game console. Trong tương lai, một số chuyên gia dự đoán cả TV và các thiết bị khác cũng có khả năng nối mạng. 

Cứ tưởng tượng Web 1.0 là một thư viện. Bạn có thể coi nó như một nguồn thông tin, nhưng bạn không được phép thay đổi hoặc thêm bớt nội dung trong đó. Còn Web 2.0 cũng giống như một nhóm các mối quan hệ lớn. Bạn vẫn có thể dùng nó để thu nhận thông tin, nhưng lại được đóng góp vào các cuộc trao đổi và biến nó trở nên phong phú hơn.  

Mặc dù nhiều người vẫn đang cố gắng đạt đến Web 2.0, nhưng nhiều người khác đã bắt đầu nghĩ đến những thứ tiếp theo. Vậy Web 3.0 sẽ như thế nào? Nó có khác gì với thế giới web hiện tại? Liệu đây có phải là một cuộc cách mạng, hay chỉ là một bước chuyển nhỏ đến nỗi chúng ta không thể nhận ra? 

Còn các chuyên gia mạng thì nghĩ gì về mạng toàn cầu? Phần tiếp theo sẽ trả lời câu hỏi đó. 

 Theo các chuyên gia mạng, Web 3.0 sẽ có vai trò giống như một trợ lý biết được tất cả mọi điều về bạn và thu thập được mọi thông tin trên Internet để trả lời tất cả những câu hỏi bạn đưa ra. Nhiều người so sánh Web 3.0 với một cơ sở dữ liệu khổng lồ. Trong khi người dùng Web 2.0 sử dụng mạng Internet để kết nối với nhau, thì Web 3.0 lại dùng Internet để kết nối với thông tin. Một số chuyên gia cho rằng Web 3.0 sẽ thay thế web hiện tại, một số khác lại cho rằng nó sẽ tồn tại như một mạng lưới riêng biệt. 

\"/\"
Muốn tìm một bãi biển nhiệt đới lý tưởng? Web 3.0 sẽ làm giúp bạn.­

Để bạn dễ dàng hình dung, tôi sẽ đưa ra một ví dụ. Thử tưởng tượng bạn đang đi nghỉ mát. Bạn đã để dành $3000 và muốn đến một nơi ấm áp ở vùng nhiệt đới. Bạn muốn có một chỗ nghỉ thoải mái nhưng vẫn phải tiết kiệm. Ngoài ra bạn còn muốn đi chuyến bay giá rẻ nữa. 

Công nghệ web hiện tại hoàn toàn có thể giúp được bạn nhưng bạn vẫn phải tìm hiểu rất nhiều mới đưa ra được quyết định. Bạn cần xem xét các điểm đến lý tưởng và chọn một nơi phù hợp với mình. Có thể bạn sẽ phải ghé thăm 2-3 trang web của các hãng du lịch khác nhau để so sánh giá vé máy bay và giá thuê phòng. Kết cục, bạn sẽ phải mất đến vài giờ cho công cụ tìm kiếm của mình. 

Đời tư trên Web

Nếu trình duyệt Web 3.0 của bạn thu thập thông tin dựa trên sở thích của bạn, liệu người khác có thể biết được những diều riêng tư đó bằng cách xem kết quả tìm kiếm của bạn hay không? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó dùng mạng Internet để tìm kiếm về bạn? Liệu những hoạt động của bạn trên mạng có bị phơi bày cho nhiều người biết không? Một số người lo ngại rằng đến lúc chúng ta tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này, mọi thứ đã quá muộn.

Theo một số chuyên gia mạng, với Web 3.0, bạn có thể ngồi nghỉ ngơi và nhờ Internet làm mọi việc. Bạn có thể dùng công cụ tìm kiếm và thu hẹp số trang kết quả. Trình duyệt sẽ thu thập, phân tích và chuyển dữ liệu đến bạn trong nháy mắt. Đó là bởi Web 3.0 hiểu được mọi thông tin trên web. 

Hiện tại, khi tìm kiếm trên mạng, công cụ tìm kiếm chưa thể hiểu được bạn muốn gì. Nó chỉ đơn thuần tìm những trang web chứa những từ khoá bạn gõ vào, chứ không thể biết được trang web đó có phù hợp không. Nó chỉ đảm bảo được 1 điều: trang web đó có chứa từ khoá bạn cần tìm. Ví dụ như nếu bạn gõ “sao Thổ,” bạn sẽ tìm được cả những trang web về hành tinh này lẫn những trang web về một hãng ôtô mang tên Sao Thổ. 

Công cụ tìm kiếm trên Web 3.0 thì trái lại, không chỉ tìm từ khoá mà còn dịch được nội dung yêu cầu của bạn. Nó sẽ cung cấp cho bạn những kết quả phù hợp nhất và gợi ý những nội dung khác liên quan đến lĩnh vực bạn muốn tìm. Trong ví dụ trên, nếu bạn gõ “địa điểm du lịch nhiệt đới giá dưới $3,000,” Web 3.0 sẽ đưa ra một danh sách những hoạt động thể thao hay các nhà hàng danh tiếng gắn liền với kết quả tìm kiếm. Nó coi cả mạng Internet như một kho dữ liệu khổng lồ sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi.

Nhưng làm sao Web 3.0 làm được điều này? Hãy đến với phần tiếp theo. 

 Con đường dẫn tới Web 3.0 

Tất nhiên bạn không thể biết được công nghệ tương lai sẽ như thế nào. Với Web 3.0, hầu hết các chuyên gia mạng đều thống nhất về xu hướng chung của nó. Theo đó, Web 3.0 sẽ đem lại cho người dùng trải nghiệm phong phú và hữu ích hơn. Nhiều người còn tin rằng với Web 3.0, mọi người đều có một lý lịch Internet riêng biệt dựa trên những trang web họ đã ghé thăm. Web 3.0 sẽ dùng profile này để điều chỉnh quá trình lướt web phù hợp với từng người, có nghĩa là hai người khác nhau cùng tìm kiếm một từ khoá giống nhau trên cùng một công cụ tìm kiếm sẽ nhận được hai kết quả khác nhau tùy vào profile của họ. 

\"/\"

Web 3.0 sẽ kết nối với sở thích cá nhân cũng như thói quen lướt web của bạn. 

Hiện tại công nghệ phục vụ cho ứng dụng này vẫn chưa xuất hiện. Những dịch vụ như TiVO và Pandora cũng cung cấp nội dung đã được cá nhân hoá dựa trên đầu vào của người dùng , nhưng cả hai dựa vào phép gần đúng Thủ nghiệm – Sai mà không hiệu quả như những gì mà các chuyên gia đã mô tả trong Web 3.0 . Quan trọng hơn là cả TiVO lẫn Pandora đều có phạm vi ứng dụng hạn chế: chỉ có chương trình truyền hình và âm nhạc, trong khi Web 3.0 bao gồm toàn bộ thông tin trên mạng Internet.

Một số chuyên gia cho rằng nền tảng của Web 3.0 sẽ là giao diện lập trình ứng dụng (API). Mỗi API là một giao diện được thiết kế nhằm cho phép các nhà phát triển tạo ra ứng dụng khai thác một số nguồn nhất định. Nhiều trang Web Web 2.0 có bao gồm cả những API cho phép lập trình viên truy cập vào những dữ liệu độc nhất của website. Ví dụ như API của Facebook giúp các nhà phát triển tạo ra những chương trình sử dụng Facebook như một nơi trưng bày game, câu đố, phản hồi về sản phẩm và nhiều thứ khác.  

Một xu hướng Web 2.0 đóng góp vào sự phát triển của Web 3.0 chính là mashup. Mashup là sự kết hợp hai hay nhiều ứng dụng thành một ứng dụng đơn nhất. Ví dụ như kết hợp giữa một chương trình tìm kiếm nhà hàng với Google Maps. Ứng dụng mashup này sẽ không chỉ giúp người dùng xem xét một nhà hàng nào đó, mà còn chỉ ra địa điểm nhà hàng trên bản đồ. Một số chuyên gia mạng tin rằng với Web 3.0, việc tạo mashup sẽ dễ dàng đến mức mọi người đều có thể thực hiện được.  

Widget

Widget là những ứng dụng nhỏ gọn để mọi người cài vào web bằng cách copy và chèn dòng mã vào mã trang web đó. Những ứng dụng này có thể là game, feed, video player hay bất cứ thứ gì khác. Một số người còn dự đoán Web 3.0 sẽ cho phép người dùng kết hợp các widget lại với nhau thành các mashup chỉ bằng cách click và kéo vài biểu tượng vào một ô trên trang web. Bạn muốn có một ứng dụng cho biết tin tức trên báo đang diễn ra ở đâu ư? Hãy kết hợp biểu tượng feed với biểu tượng Google Earth và Web 3.0 sẽ lo phần còn lại. Bằng cách nào? Chưa ai biết được.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng Web 3.0 sẽ bắt đầu lại từ đầu. Thay vì dùng HTML làm ngôn ngữ lập trình căn bản, Web 3.0 sẽ dựa trên một loại ngôn ngữ mới chưa được đặt tên. Những chuyên gia này cho rằng việc bắt đầu lại từ đầu sẽ dễ dàng hơn so với việc thay đổi web hiện tại. Tuy vậy, phiên bản Web 3.0 này mang tính lý thuyết đến nỗi khó có thể biết được nó sẽ hoạt động ra sao. 

Còn người đã sinh ra mạng toàn cầu lại có quan điểm riêng của mình về tương lai web. Ông gọi đây là Semantic Web (Web ngữ nghĩa), và nhiều chuyên gia khác cũng sử dụng cụm từ này khi nói về Web 3.0. Vậy Web ngữ nghĩa là gì?  .

Web ngữ nghĩa  Sau khi Web 3.0 kết thúc

 

Tim Berners-Lee là người sáng chế ra mạng toàn cầu vào năm 1989. Ông coi đây là một giao diện cho Internet giúp mọi người chia sẻ thông tin. Berners-Lee không tin vào sự tồn tại của Web 2.0 và gọi đây là một từ khoa trương vô nghĩa. Berners-Lee luôn khẳng điịnh rằng mạng toàn cầu vốn dĩ có thể làm tất cả những gì mà Web 2.0 làm được. 

\"/\"

Tim Berners-Lee, cha đẻ của mạng toàn cầu

Quan điểm của Berners-Lee về thế giới web của tương lai cũng tương tự như Web 3.0 và được gọi là “web ngữ nghĩa.” Hiện tại, cấu trúc web này nhằm vào việc phục vụ cho con người. Chúng ta có thể dễ dàng ghé thăm một trang web và hiểu được nội dung của nó. Nhưng máy tính thì không. Một công cụ tìm kiếm chỉ có thể quét các từ khoá, nhưng không thể biết được từ khoá đó có vai trò ra sao trong trang web.   

Với Web ngữ nghĩa, máy tính có thể quét và hiểu thông tin trên web thông qua những phần mềm đặc biệt, chuyên lướt web để tìm thông tin phù hợp. Sở dĩ chúng làm được như vậy là bởi Web ngôn ngữ có những bộ sưu tập thông tin gọi là ontologies, tức những file chuyên định nghĩa mối quan hệ giữa một nhóm thuật ngữ. Ví dụ như từ "anh chị em họ” ý nói đến mối quan hệ gia đình giữa hai người có cùng ông bà. Một ontology trong web ngôn ngữ sẽ định nghĩa vai trò của từng người trong gia đình như sau: 

·       Ông/bà: một người trước đối tượng hai thế hệ

·       Bố/mẹ: người trước đối tượng một thế hệ 

·       Anh/chị: người có cùng bố mẹ với đối tượng 

·       Cô/dì/chú/bác: anh hoặc chị của bố/mẹ đối tượng 

·       Anh/chị/em họ: người có cùng ông bà với đối tượng. 

Để web ngữ nghĩa hoạt động hiệu quả, các ontology phải thật chi tiết và đầy đủ. Theo định nghĩa của Berners-Lee, chúng sẽ tồn tại dưới dạng dữ liệu meta, tức những thông tin nằm trong mã web mà máy tính đọc được còn con người thì không. 

Việc lập ontology mất rất nhiều thời gian. Trong thực tế, đây là chướng ngại lớn nhất mà Web ngữ nghĩa gặp phải. Liệu mọi người có sẵn sàng bỏ công sức để tạo ra những bộ ontology đầy đủ cho website của mình? Liệu họ có giữ nguyên chúng khi website thay đổi? Những người phản đối cho rằng việc tạo ra và duy trì những file phức tạp như vậy vượt quá khả năng của con người. 

Mặt khác, nhiều người có thói quen đánh dấu, hay gắn tag cho website hoặc thông tin trên web. Web tag giúp phân loại thông tin trên mạng. Một số blog cũng có tính năng tag để đưa tất cả những bài báo cùng chủ đề vào một nhóm. Những trang chia sẻ ảnh như Flickr cho phép người dùng gắn tag cho từng ảnh. Thậm chí Google còn biến đây thành một trò chơi mang tên Google Image Labeler dành cho hai người. Mỗi người sẽ cố tạo ra số lượng tag lớn nhất có thể cho một dãy hình ảnh. Theo một số chuyên gia, Web 3.0 có khả năng tìm kiếm tag và đưa ra kết quả phù hợp nhất. Có thể Web 3.0 sẽ kết hợp giữa định nghĩa về Web ngữ nghĩa của Berners-Lee với khả năng tag của web 2.0.

Mặc dù Web 3.0 mang tính lý thuyết hơn là thực tiễn, nhưng điều này không ngăn cản được nhiều người tiếp tục suy đoán xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Dưới đây là một số suy đoán đó. 

 

 

Vậy sau Web 3.0 sẽ là gì? Rất nhiều nhận xét từ hợp lý đến giả tưởng đã được đưa ra. 

\"/\"

Paul Otellini, CEO kiêm chủ tịch Intel đang bàn luận về tầm quan trọng ngày càng tăng của thiết bị di động nối mạng tại Triển lãm hàng điện tử quốc tế 2008.   

Dưới đây là một số dự đoán tiêu biểu: 

·       Theo chuyên gia công nghệ Nova Spivack, Web phát triển theo chu kỳ 10 năm. Trong thập niên đầu tiên của web, phần lớn mọi bước phát triển đều tập trung vào cơ sở hạ tầng Web. Các lập trình viên sẽ tạo ra những giao thức và mã lập trình để tạo nên trang web. Còn trong thập niên thứ hai, mọi sự chú ý lại chuyển sang ứng dụng Web và kỷ nguyên Web 2.0 bắt đầu. Giờ đây người dùng coi Web như một nền tảng để chạy các ứng dụng khác. Ngoài ra họ cũng tạo nên các mashup và thử nghiệm nhiều cách khác nhau để tăng tính tương tác cho việc lướt web. Hiện tại kỷ nguyên Web 2.0 đã gần kết thúc. Thập niên tiếp theo sẽ chứng kiến sự nổi lên của Web 3.0, và sự chú ý lại quay về cơ sở hạ tầng Web. Các lập trình viên sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng này để nó có thể hỗ trợ được những tính năng mới của Web 3.0. Sau khi giai đoạn này kết thúc, chúng ta sẽ bước vào kỷ nguyên Web 4.0. Ứng dụng web lại trở thành ưu tiên hàng đầu và chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đời của hàng nghìn chương trình mới lấy Web 3.0 làm nền tảng. 

·       Môi trường web sẽ phát triển thành môi trường 3D. Sau Web 3.0 sẽ là Web 3D. Bằng cách kết hợp giữa các thành phần thực tại ảo với thế giới game online nhập vai dành cho nhiều người (MMORPG), không gian web sẽ trở thành một thế giới số, không chỉ có chiều rộng, chiều ngang mà cả chiều sâu nữa. Bạn có thể điều khiển Web qua góc nhìn của người thứ nhất hoặc qua hình ảnh đại diện mang tên avatar.   

·       Web sẽ được xây dựng trên sự phát triển của nền tin học phân phối và sẽ mở đường cho sự phát triển của trí thông minh nhân tạo. Trong nền tin học phân phối, chỉ cần vài máy tính là có thể xử lý được một khối lượng công việc khổng lồ. Mỗi máy tính chỉ quản lý một phần nhỏ trong toàn bộ công việc. Nhiều người tin tưởng rằng trong tương lai, Web sẽ có khả năng phân phối một công việc lớn cho hàng nghìn máy tính khác nhau và sử dụng thông tin từ những bộ ontology đồ sộ. Web sẽ trở thành một bộ não khổng lồ chuyên phân tích dữ liệu và đưa ra ý tưởng mới dựa trên những dữ liệu đó.  

·       Web sẽ vượt khỏi phạm vi của máy tính và điện thoại di động Tất cả mọi thứ từ đồng hồ đeo tay cho tới TV và quần áo đều được nối mạng Internet. Người dùng sẽ được kết nối mọi nơi mọi lúc. Phần mềm cá nhân dành cho mỗi người sẽ tìm hiểu thông tin về chủ nhân của chúng bằng cách quan sát hành động của từng người. Tuy nhiên điều này sẽ gây tranh cãi về việc cân bằng giữa quyền riêng tư và khả năng lướt web cá nhân hoá.  

·       Web sẽ hoà vào các thể loại giải trí khác cho đến khi ranh giới cuối cùng giữa chúng bị xoá bỏ. Các chương trình radio, TV và phim ảnh sẽ được phân phối hoàn toàn qua Web. 

Hiện vẫn còn quá sớm để biết được liệu có suy đoán nào trên đây trở thành sự thật hay không. Nhưng cũng có thể tương lai Web sẽ còn vượt xa mọi suy đoán táo bạo nhất. Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng cho đến lúc tương lai web trở thành sự thật, loài người có thể thống nhất được tên gọi của nó. 

 \"\"\"\"