Web 2.0 là gì?

Hãy thử hỏi vài chục chuyên gia Internet rằng Web 2.0 là gì, và bạn sẽ nhận được hàng chục câu trả lời khác nhau. Một số người cho rằng Web 2.0 là một tập hợp những triết lý và quy tắc giúp đem đến cho người dùng web những trải nghiệm phong phú và sâu sắc.
Một số khác lại cho rằng đây là tổng hợp những ứng dụng và công nghệ giúp mọi người dễ dàng tìm kiếm thông tin và kết nối với nhau hơn. Một số nhà báo lại khẳng định rằng thuật ngữ này chẳng có nghĩa gì cả -- chỉ là một chiêu marketing để đánh bóng những mạng xã hội ảo.  

 

\"/\"
Website của O Reilly Media Web là một ví dụ tiêu biểu của Web 2.0  

Trước khi bắt đầu tranh luận về ý nghĩa của Web 2.0, hãy tìm hiểu nguồn gốc của thuật ngữ này. Năm 2004, 2 hãng O Reilly Media và MediaLive International đang tổ chức một cuộc hội thảo bàn về thực trạng Web cũng như tương lai và các công nghệ đang phát triển giúp đảm bảo thành công của họ trên thế giới ảo. Tim O Reilly, sáng lập viên kiêm CEO của O Reilly Media, muốn chứng minh luận điểm rằng bất chấp cuộc khủng hoảng của thị trương máy tính năm 2000, mạng máy tính vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ. 

Trong suốt cuộc hội thảo này, Dale Dougherty của O Reilly Media đã tạo ra thuật ngữ Web 2.0 để miêu tả môi trường Web nổi lên sau sự cố trên.Trong khi hàng chục công ty Internet đã phải tuyên bố phá sản, thì một số website vẫn tồn tại và sống sót. Cùng lúc đó, các website mới đang xuất hiện từng ngày, trong đó nhiều website sử dụng phương pháp kinh doanh khác hẳn so với các website thương mại trước cuộc khủng hoảng. 

Tuy vậy, vẫn chẳng ai biết định nghĩa chính xác Web 2.0 là gì. Nếu Web 2.0 thực sự tồn tại, vậy thì Web 1.0 đâu? Con số "2.0" ám chỉ một sự phát triển hay một thế hệ website mới, nhưng không ai biết Web 2.0 có gì khác so với Web 1.0.

Tháng 9 năm 2005, Tim O Reilly đã viết định nghĩa Web 2.0 trên blog của mình. Bản định nghĩa này dài tời 5 trang, gồm cả chữ và hình ảnh minh hoạ. 

Theo đó, Web 2.0 tức là:

·       Dùng web làm nền tảng ứng dụng 

·       Dân chủ hoá môi trường Web

·       Sử dụng các phương pháp mới để cung cấp thông tin 

Trong bài báo này, chúng ta sẽ cùng xem xét từng quan điểm trên, đồng thời tìm hiểu cuộc tranh luận về việc liệu Web 2.0 có ý nghĩa thực tế gì không.

Video Gallery: Mạng xã hội ảo trực tuyến

Các mạng xã hội ảo phản ánh rõ rệt triết lý Web 2.0. Trong video này của  PodTech, bạn sẽ được tìm hiểu về  Renkoo, một website kết hợp mạng xã hội ảo với việc tổ chức sự kiện.    

Dùng Web làm nền tảng

Trong bài blog phát biểu về triết lý Web 2.0, Tim O Reilly viết rằng trước khi quả bóng Internet phát nổ, các công ty web như Netscape vẫn tập trung vào việc phát triển sản phẩm. Trong trường hợp của Netscape, sản phẩm chính là trình duyệt Web. những sản phẩm này đóng vai trò nền tảng cho một bộ ứng dụng và cả các sản phẩm khác. Nhưng theo quan điểm của O Reilly về Web 2.0 thì một công ty có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ hơn là cung cấp sản phẩm.   

Ví dụ mà O Reilly sử dụng trong blog của mình là Google. Anh cho rằng giá trị của Google nằm ở một số yếu tố sau: 

·       Đây là một dịch vụ đa nền tảng. Bạn có thể truy cập Google từ PC hay Mac (bằng trình duyệt web) hoặc từ một ứng dụng di động như điện thoại di động chẳng hạn.   

·       Nó tránh được nguyên mẫu sẵn có của ngành công nghiệp phần mềm. Bạn không cần phải mua một gói phần mềm nhất định mới sử dụng được dịch vụ này. 

·       Nó bao gồm cả một cơ sở dữ liệu chuyên nghiệp -- kết quả tìm kiếm -- kết hợp trực tiếp với phần mềm tìm kiếm của mình. Nếu không có cơ sở dữ liệu này, ứng dụng tìm kiếm cũng thành vô dụng. Mặt khác, nếu không có ứng dụng tìm kiếm, bạn không thể tìm được thông tin trong bể dữ liệu khổng lồ này.  

\"/\"
Jung Yeon-Je/AFP/Getty Images
Vinton Cerf, phó chủ tịch Google Vice President, tại Diễn đàn trí tuệ thế giới tổ chức tại Seoul vào tháng 10 năm 2007. Google đại diện cho quan điểm của O Reilly về một công ty Web 2.0.

Một phần quan trọng trong việc sử dụng web làm nền tảng là việc thiết kế cái mà O Reilly gọi là trải nghiệm phong phú cho người dùng, tức các ứng dụng và applet- những chương trình nhỏ gọn nằm trong một chương trình hay trang web lớn – giúp việc lướt web và truy cập Internet trở nên dễ chịu hơn. Ví dụ như dịch vụ Twitter dựa trên một ý tưởng vô cùng đơn giản: các thành viên có thể gửi tin nhắn cho toàn bộ mạng lưới bạn bè bằng một giao diện đơn giản. Nhưng Twitter cũng cho phép các nhà phát triển bên thứ ba truy cập một phần giao diện lập trình ứng dụng (API) của Twitter. Từ đó, các công ty này có thể tạo ra những ứng dụng mới dựa trên những tính năng cơ bản của Twitter,  như Twitterific – chương trình dành cho Mac được Iconfactory thiết kế. Chương trình này tích hợp dịch vụ Twitter vào một ứng dụng cho máy tính để bàn. Mặc dù Twitter không phát triển Twitterific nhưng nó đã cung cấp cho Iconfactory thông tin cần thiết để tạo ra ứng dụng. 

Các website khác cũng thực hiện theo triết lý tương tự. Năm 2007, mạng xã hội ảo Facebook cho phép các nhà phát triển bên thứ ba truy cập vào API của mình. Trước đó, hàng trăm ứng dụng mới đã xuất hiện và sử dụng Facebook làm nền tảng. Thành viên Facebook có thể chọn từ hàng chục ứng dụng khác nhau để giúp việc lướt web của họ trở nên thú vị hơn.   

Giữ cho mọi thứ thật đơn giản

Mặc dù việc đem lại trải nghiệm thú vị cho người dùng là rất quan trọng đối với các dịch vụ web, nhưng việc làm quá mức sẽ phản tác dụng. Cung cấp quá nhiều tuỳ chọn hoặc biến hệ thống trở nên phức tạp quá mức có thể khiến người dùng trung bình hoảng sợ. Một hệ thống phức tạp có thể thu hút một số người dùng chuyên nghiệp, nhưng để có được nhiều khách hàng, dịch vụ phải được sắp xếp hợp lsy và đơn giản. Ví dụ như những website có nhiều hình minh hoạ flash hay ứng dụng đa phương tiện và các tính năng tương tác có thể lôi kéo được nhiều người dùng sành sỏi với đường truyền Internet tốc độ cao. Nhưng đối với một người dùng bình thường, những website trên lại có quá nhiều hình ảnh và âm thanh mà chẳng đem lại ý nghĩa gì cả.    

Cung cấp dịch vụ và khả năng truy cập web là một phần quan trọng trong triết lý Web 2.0, đồng thời cũng liên quan đến ý tưởng dân chủ hoá web. Trong phần tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu cách những người dùng bình thường tương tác và thay đổi mạng Internet.

Dân chủ hoá Web

Việc dân chủ hoá web liên quan đến cách mọi người tiếp cận và đóng góp cho mạng Internet. Trước đây, phần lớn các website đều ở dạng tĩnh, người dùng không thể bổ sung hoặc tương tác với thông tin sẵn có. Theo một khía cạnh nào đó thì nhiều công ty đã coi Internet như một dạng truyền hình mở rộng – trình duyệt hiển thị một cách bị động bất cứ nội dung gì mà web cung cấp. Tuy vậy, một số công ty lại có quan điểm khác, Amazon là một ví dụ. Trang web này cho phép người xem tạo tài khoản và đăng nhận xét về các cuốn sách được rao bán. Bất kỳ ai cũng có quyền trở thành nhà phê bình văn học. Và những khách hàng khác sẽ dựa vào những lời nhận xét đó để quyết định xem có nên mua sách hay không. Nói cách khác, các thành viên của Amazon cùng giúp đỡ nhau trong việc định hình trải nghiệm Internet của họ. 

\"/\"
Website Amazon là ví dụ về web 2.0 với tính năng đăng phản hồi về sách.   

Triết lý Web 2.0 nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tương tác giữa người dùng và Internet. Tại đó, mọi người đều có cơ hội đóng góp cho trang web. Và khi đã để ý đến những gì người dùng đang làm hay đang tìm kiếm, một công ty có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn và xây dựng được lòng tin từ phía người dùng. Một số trang web còn phụ thuộc hoàn toàn vào đóng góp của người dùng --  nếu không có họ, website sẽ không tồn tại. Một trong số những website như vậy là Wikipedia. Tại đây, người dùng có thể nhập thông tin, sửa dữ liệu sẵn có, hoặc thậm chí là xoá toàn bộ một mục nào đó. Tóm lại, người dùng được quyền quyết định nội dung và giao diện website. 

Tim O Reilly cũng viết về tầm quan trọng của việc khai thác trí tuệ tổng hợp. Ông cho rằng các website được tạo nên bởi đóng góp người dùng sẽ tiến xa hơn những website khác. Theo đó, Wikipedia là một ví dụ hoàn hảo. O Reilly cảm thấy một cộng đồng người dùng được trang bị đầy đủ kiến thức hoàn toàn có khả năng quản lý và duy trì website. Tuy nhiên, chính vì bất kỳ ai cũng có thể đóng góp thông tin cho Wikipedia nên một người nào đó có thể vô tình hay cố ý cung cấp thông tin sai lệch. Không thể nào bảo đảm 100% độ chính xác của thông tin, và bạn cũng không thể bắt ai phải chịu trách nhiệm về tội cung cấp thông tin sai lệch này. 

Một yếu tố khác của quá trình dân chủ hoá website chính là tag. Web tag là những mục nhỏ cho phép người dùng gắn thêm thông tin vào các chủ đề cụ thể. Nhiều website cho phép người dùng gắn tag vào các dạng thông tin khác nhau, từ hình ảnh cho tới blog. Tag trở nên đặc biệt quan trọng khi người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm. Người dùng có thể gắn thông tin của họ với các thuật ngữ tìm kiếm, và khi một người dùng khác nhập một thuật ngữ tìm kiếm trùng khớp với tag, thì thông tin đó sẽ được hiển thị trong danh sách kết quả tìm kiếm. Việc sử dụng tag giúp cho việc tìm kiếm trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tag do người dùng cung cấp cũng là một phần của folksonomy, hệ thống phân loại trên web.   

Mảnh ghép cuối cùng trong bức hình dân chủ hoá web chính là phần mềm nguồn mở. Một chương trình nguồn mở cho phép tất cả mọi người được quyền biết loại mã mà lập trình viên đã sử dụng để tạo nên ứng dụng. Và không chỉ có thể, một số chương trình còn cho phép thay đổi đoạn mã để giúp nó trở nên hiệu quả hơn, hay thậm chí là tạo nên một chương trình mới dựa trên đoạn mã ban đầu. Xét trong điều kiện lý tưởng, chất lượng chương trình nguồn mở sẽ được đảm bảo tốt nhất bởi bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra và cải tiến chúng. 

Nhưng dân chủ hoá web chỉ là một phần của triết lý Web 2.0. Trong phần tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu cách các website ngày nay cung cấp thông tin một cách năng động ra sao. 

Cung cấp thông tin

Trước khi cuộc khủng hoảng Internet diễn ra, rất nhiều trang web giữ nguyên hình ảnh và nội dung từ năm này sang năm khác mà hiếm khi cập nhật. Nhưng khi các phần mềm biên tập web trở nên thân thiện với người dùng hơn, thì việc sửa sang website cũng dễ dàng hơn. Một số công ty tiếp tục trưng bày thông tin theo dạng tĩnh, nhưng một số khác đã bắt đầu thí nghiệm những cách cung cấp thông tin mới.  

Một trong số những cách trên là sử dụng định dạng tổ chức Web như RSS chẳng hạn. Với RSS, người dùng có thể đăng ký một trang web và thường xuyên nhận thông tin mỗi khi admin của trang web đó cập nhật thông tin mới. Một số lập trình viên đã thiết kế những ứng dụng tạo RSS trên PC hay Mac, tức là người dùng có thể cập nhật website ưa thích của họ mà không cần mở trình duyệt.   

\"/\"
Technorati là một website chuyên tổng hợp blog.  

Một cách chia sẻ thông tin khác qua web khá phổ biến hiện nay là blog. Mặc dù nhiều người đã tạo website cá nhân ngay từ những ngày đầu của Web, nhưng format blog rất khác biệt so với các website cá nhân truyền thống. Một điều chắc chắn là phần lớn các blog hiện nay đều được viết theo thứ tự thời gian, vì thế người xem có thể đọc bài viết gần nhất, sau đó quay trở lại và theo dõi tiến trình phát triển của blog từ ngày đầu tiên. 

Blog là một cách hữu hiệu để nhanh chóng đưa thông tin đến người đọc . Mọi người đọc blog, theo dõi những điều thú vị đang diễn ra quanh họ và viết về chúng trên blog của mình. Và thế là thông tin bắt đầu truyền từ blogger này sang blogger khác. Các công ty marketing gọi dạng truyền thông tin từ blog sang blog này là marketing kiểu virus. Nhiều công ty cũng bắt đầu sử dụng dạng marketing vừa hữu hiệu vừa rẻ tiền này bởi người đọc là những người gánh phần lớn công việc.   

Những trang web kiểu blog dựa trên việc khai thác permalink. Permalink và các đường link hypertext kết nối đến một bài blog nhất định. Nếu không có permalink, việc nhận xét trên blog sẽ trở nên vô cùng buồn tẻ. Tất cả các link sẽ dẫn người dùng tới trang blog chính, có thể đã được cập nhật sau khi tạo link. Permalink cho phép người dùng tạo đường dẫn tới một bài blog nhất định. Nếu bạn phát hiện một cuộc bàn tán thú vị trên một blog nào đó, bạn có thể dùng permalink để dẫn bàn bè tới.   

Một yếu tố quan trọng trong Web 2.0 chính là sự tham gia của các thiết bị không thuộc máy tính vào Internet. Hiện tại có rất nhiều loại điện thoại di động và PDA có thể kết nối Internet, và ứng dụng iTunes của Apple cũng phối hợp rất nhịp nhàng với iPod. Theo O’Reilly, sự mở rộng của Internet tới các thiết bị không thuộc máy tính cũng là một biểu hiện tiến hoá của web.  

Podcast

Podcasting đã trở thành một cách chia sẻ thông tin phổ biến -- kết hợp cấu trúc thời gian của blog, dịch vụ đăng ký website với việc chọn lựa một thiết bị không thuộc máy tính để kết nối Internet. Video blog (vlog) trên YouTube và các website khác đem đến cho người dùng nhiều lựa chọn hơn trong việc chia sẻ thông tin.   

Trong phần tiếp, chúng ta sẽ cùng theo dõi cuộc tranh luận của cộng đồng web quanh thuật ngữ Web 2.0.

Cuộc tranh luận quanh Web 2.0  

Thuật ngữ Web 2.0 đã khơi nguồn cho rất nhiều cuộc bàn cãi. Một số xoay quanh ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này, một số khác lại cho rằng nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Dưới đây là tóm tắt một số cuộc tranh luận chính:   

·       Tim Berners-Lee, cha đẻ của mạng toàn cầu (world wide web), phủ nhận khái niệm Web 2.0. Trong cuộc phỏng vấn tại IBM developerWorks, ông gọi Web 2.0 là một “thuật ngữ chuyên ngôn giả tạo” và rằng “không ai biết được nó thực sự có nghĩa gì”. Berners-Lee cho rằng World Wide Web luôn là cách để con người kết nối với nhau, và triết lý Web 2.0 chẳng có gì mới mẻ [nguồn: developerWorks].

·       Russell Shaw, tác giả của hệ thống truyền thông, thì viết rằng thuật ngữ trên chẳng là gì ngoài một khẩu hiệu marketing. Ông cho rằng mặc dù các thành tố cá nhân của Web 2.0 có tồn tại, nhưng chúng không thể được gộp vào thành một thuật ngữ thống nhất. Shaw nói các định nghĩa trong Web 2.0 quá rộng và những mục tiêu của chúng còn xung đột với nhau. 

·       Jay Fienberg, chuyên gia cấu trúc thông tin, thì gọi Web 2.0 là một “khái niệm hồi tưởng.” Anh  cho biết chỉ một năm sau khi O Reilly đưa ra thuật ngữ trên, nó đã trở thành một chiêu bài quảng cáo phổ biến, nhiều công ty máy tính lớn đã sử dụng thuật ngữ trên để ra vẻ sáng tạo. Chính điều này làm mất đi ý nghĩa ban đầu của cái tên Web 2.0 [nguồn: the iCite net].

·       Còn nhà tiểu luận Internet Paul Graham mới đầu cũng phủ nhận Web 2.0, nhưng sau đó đã rút lại lời chỉ trích của mình sau khi O Reilly công bố ý nghĩa thực sự của Web 2.0. Từ đó, Graham cho rằng thuật ngữ trên vốn chẳng có ý nghĩa gì, nhưng sau đó ngày càng được mở rộng khi mọi người tìm hiểu sâu hơn môi trường Web hiện tại. Theo ông, Web 2.0 chỉ cách khai thác World Wide Web tốt nhất qua kết nối thực giữa người dùng và các dạng tương tác khác cao hơn.  

·       Andrew Keen, nhà phê bình Internet, lại đặc biệt chỉ trích Web 2.0. Ông gọi trào lưu blog là “sự vị kỷ số hoá” [nguồn: Wall Street Journal] và cho rằng cuộc tranh luận này không phải về việc Web 2.0 có tồn tại hay không, mà là liệu Web 2.0 có phải là một ý tưởng tốt hay không. Ông chỉ ra rằng trong khi mọi người mải mê viết và tải vô số thông tin lên net thì chẳng ai lại có thời gian đọc chúng. Kết quả là những tổ chức chăm chút cải thiện nội dung website phải chịu thiệt thời bởi mọi người còn bận rộn với việc đăng tải ý kiến của mình. .  

Ngoài ra còn hàng trăm bài blog khác xoay quanh Web 2.0, về ý nghĩa của nó và về việc liệu nó có thực sự là bước tiến của Internet. Hiện vẫn còn quá sớm để biết được liệu thuật ngữ này có giá trị lâu dài hay sẽ nhanh chóng phai nhạt như một câu khẩu hiệu quảng cáo rỗng tuếch. Nhưng một số người cảm thấy Web 2.0 có quá nhiều ý nghĩa đến nỗi nó đã trở thành một từ vô nghĩa. Một số chuyên gia về Web 2.0 đã tránh dùng thuật ngữ trên và chuyển sang những cụm từ khác như mạng xã hội hay dân chủ hoá Web.

\"\"