PayPal làm việc như thế nào

Ý tưởng đơn giản làm nên PayPal – dùng phần mềm mã hoá cho phép mọi người thực hiện giao dịch thương mại giữa các máy tính với nhau – đã trở thành một trong những phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến nhất thế giới.
Bất chấp những biến động trong lịch sử của mình, bao gồm những vụ gian lận, kiện tụng và những điều chỉnh của chính phủ, giờ đây đã có khoảng 100 triệu tài khoản PayPal được đăng ký trên toàn thế giới.

Trong bài báo này, chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn cách sử dụng PayPal, tìm hiểu quá trình giao dịch được thực hiện như thế nào, cũng như lật lại một số trang trong lịch sử công ty này. Chúng ta cũng sẽ tham khảo một số lời phàn nàn về hoạt động kinh tế của PayPal. Nào, hãy đến với những kiến thức cơ bản đầu tiên!

PayPal là một dịch vụ thanh toán trực tuyến cho phép các cá nhân và các công ty thực hiện giao dịch điện tử. Bạn có thể dùng nó để tham gia đấu giá trực tuyến, mua bán hàng hoá dịch vụ hoặc để đóng góp. Thậm chí bạn còn có thể dùng nó để gửi tiền mặt cho ai đó.

Một tài khoản PayPal cơ bản là miễn phí. Bạn có thể gửi tiền cho bất kỳ ai có địa chỉ e-mail cho dù người đó có tài khoản PayPal hay không. Người đó sẽ nhận được e-mail từ PayPal thông báo về việc giao dịch, và tất cả những gì họ phải làm là đăng ký một tài khoản PayPal của riêng họ.

Tiền chuyển qua PayPal vẫn nằm trong một tài khoản PayPal cho đến khi người chủ số tiền đó rút hoặc tiêu tiền. Nếu người chủ tài khoản cung cấp và xác minh thông tin về tài khoản ngân hàng của mình thì số tiền đó có thể được chuyển thẳng vào tài khoản ngân hàng của họ. Ngoài ra còn một số cách khác để rút tiền như sau: 

 

Hình 2 : Các cách rút tiền từ tài khoản PayPal

Sau đây, chúng ta sẽ xem những bước cần làm để tạo một tài khoản PayPal.

Đăng ký tài khoản trên PayPal

Đăng ký một tài khoản PayPal rất nhanh gọn và thậm chỉ không yêu cầu bạn phải cung cấp bất kỳ thông tin nào về tài khoản ngân hàng của bạn, bạn chỉ cần có tài khoản sec hoặc thẻ tín dụng là có thể sử dụng được rất nhiều tiện ích của PayPal. Để bắt đầu, bạn cần vào trang chủ PayPal, click lên phần "Sign Up Now", sau đó chọn xem bạn muốn lập một tài khoản cá nhân, tài khoản doanh nghiệp hay tài khoản cao cấp. Nếu bạn chỉ định dùng PayPal để thỉnh thoảng tham gia đấu giá hoặc mua hàng trên mạng thì tài khoản cá nhân là lựa chọn thích hợp. Còn nếu bạn muốn sử dụng PayPal để lĩnh lương từ công ty mình thì tài khoản doanh nghiệp hoặc tài khoản cao cấp là phù hợp hơn cả. Nếu bạn đã lỡ chọn tài khoản cá nhân, bạn có thể nâng cấp sau.  

 

Hình 3 : Bấm vào "Sign Up Now" để lập tài khoản PayPal

Sau đó, bạn sẽ được dẫn tới một trang để cung cấp thông tin cá nhân của bạn như tên, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ e-mail. Bạn cũng phải chọn hai câu hỏi kiểm tra đề đề phòng trường hợp bạn quên password, rồi gõ một dãy số và chữ cái được chọn một cách bất kỳ để chống giả mạo. Sau khi xác nhận tài khoản của mình bằng cách làm theo hướng dẫn bạn sẽ nhận được qua e-mail, quá trình đăng ký của bạn sẽ hoàn thành.

Bạn cũng có thể cung cấp số thẻ tín dụng bạn đang dùng để cho phép PayPal xác nhận địa chỉ của bạn (nếu nó khớp với thông tin trên thẻ tín dụng). Việc có địa chỉ được xác nhận sẽ giúp cả người bán lẫn người mua an tâm rằng bạn có ít nguy cơ lừa đảo hơn. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng thẻ tín dụng cho dịch vụ Expanded Use của PayPal để rút tiền từ thẻ tín dụng thay vì từ tài khoản ngân hàng.  

 

Hình 4 : Bạn cần được xác nhận khi chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản PayPal.

Nếu bạn muốn chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bạn sang tài khoản PayPal và ngược lại, bạn cần cung cấp thông tin và xác nhận tài khoản cá nhân của bạn với PayPal. Sau khi gõ số tài khoản và lựa chọn hướng gửi tiền, PayPal sẽ chuyển hai khoản tiền nhỏ (thường là 5 xu) đến tài khoản này, sau đó yêu cầu bạn gõ số tiền này vào để xác nhận tài khoản (số tiền này sẽ hiện trên thông báo tài khoản từ ngân hàng của bạn). Thế là tài khoản ngân hàng của bạn đã sẵn sàng hoạt động.

Cấu trúc của PayPal

PayPal không thực sự thay đổi cách mà các doanh nghiệp tương tác với ngân hàng và các công ty thẻ tín dụng. Nó chỉ hoạt động như một người trung gian. Các giao dịch qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ vẫn diễn ra trên các mạng lưới khác. Khi một người bán hàng nhận tiền qua thẻ, anh ta sẽ phải trả một khoản phí giao dịch, thường là khoảng 10 xu cộng thêm 2% số tiền trả. Khoản phí này bao gồm vài khoản phí nhỏ để trả cho các công ty khác nhau tham gia vào quá trình giao dịch – ngân hàng của người bán, công ty thẻ tín dụng và công ty phát hành thẻ. Còn nếu người đó trả tiền bằng sec, một mạng lưới khác sẽ được sử dụng giúp người bán mất ít tiền hơn nhưng chờ đợi lâu hơn.

Vậy PayPal đóng vai trò gì trong việc này? Cả người bán và người mua đều phải tương tác với PayPal, sau khi đã cung cấp số tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng. Đến lượt PayPal sẽ tiếp nhận tất cả các giao dịch này với các ngân hàng và công ty thẻ tín dụng, và trả phí giao dịch. Họ sẽ thu hồi lại số tiền này từ khoản phí nhận tiền cũng như tiền lãi họ thu được từ số tiền còn lại trên các tài khoản PayPal. 

PayPal còn có vai trò như một lớp bảo vệ thứ hai, bởi thông tin của tất cả mọi người, bao gồm số thẻ tín dụng và số tài khoản ngân hàng đều nằm trong tay PayPal. Cùng với các giao dịch trực tuyến khác, những thông tin này được chuyển từ người mua đến người bán và đến công ty xử lý thẻ tín dụng. 

Toàn bộ số tiền nằm trong các tài khoản PayPal đều được đưa vào một hoặc một số tài khoản ngân hàng để PayPal thu lãi. Còn người chủ tài khoản thì không thu được số tiền lãi nào từ số tiền họ gửi. Vì thế, một số người đã chỉ trích PayPal rằng lý do mà công ty này thường khoá các tài khoản và bắt mọi người phải trải qua một quá trình xác nhận dài dòng và mệt mỏi là để họ có thể giữ tiền trong tài khoản ngân hàng được lâu hơn và thu được nhiều lãi hơn.

Vấn đề an ninh

Sau một loạt các vụ lừa đảo, PayPal đã lập một kế hoạch nhằm ngăn chặn bọn tội phạm sử dụng các chương trình máy tính để mở hàng đống tài khoản giả bằng số thẻ tín dụng ăn cắp được. Hệ thống này có tên "Gausebeck-Levchin", hiện được hàng nghìn website sử dụng. Nó yêu cầu những người lập tài khoản phải gõ một dãy số và chữ cái nằm trong một file hình ảnh. Không phần mềm nào có thể đọc được dòng chữ này -- chỉ có con người mới có thể nhận diện được nó.   

Hình 5
Hệ thống kiểm tra Gausebeck-Levchin trên PayPal: Những người khiếm thị (sử dụng trình duyệt website dựa trên nền chữ cái) có thể nghe một đoạn ghi âm dòng chữ trên.

 

PayPal cũng sử dụng các chương trình đặc biệt khác để phát hiện các hành vi lừa đảo. Những chương trình này kiểm tra các dấu hiệu lừa đảo bao gồm sự tăng đột biến số lượng hoặc quy mô giao dịch, số lần thẻ tín dụng bị từ chối hoặc địa chỉ IP vô hiệu. 

 

Lịch sử PayPal

Năm 1999, Peter Thiel và Max Levchin sáng lập PayPal với cái tên Confinity. Lý tưởng của họ là xây dựng một công ty giao dịch trực tuyến không biên giới, không phụ thuộc vào sự quản lý ucả bất kỳ chính phủ nào. Tuy vậy, thành công của PayPal nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới tin tặc, bọn lừa đảo và các tổ chức tội phạm, những kẻ lợi dụng dịch vụ này để tiến hành lừa đảo và rửa tiền. Các biện pháp an ninh nhanh chóng được đưa ra trong thời điểm đỉnh cao của các vụ lừa đảo và sự chỉ trích của khách hàng. Nhưng các cơ quan chính phủ nhanh chóng tham gia vào vụ việc này. Các luật sư cũng như cơ quan lập pháp của một số bang như New York và California đã phạt PayPal do vi phạm pháp luật và tiến hành điều tra khoạt động kinh doanh của công ty này. Một số bang khác như Louisiana thì cấm PayPal hoạt động trong bang đó. Cho đến nay, PayPal đã giành lại được giấy phép hoạt động tại những bang trên. 

 

Hình 6 : Trang đấu giá Auction Tools của PayPal dành cho người bán hàng trên eBay.

Bất chấp việc bị chỉ trích, thị phần của PayPal vẫn tiếp tục lớn mạnh. Đầu tiên PayPal sẽ trả 10 đôla cho mỗi người đăng ký mới, cộng thêm khoản tiền thưởng nếu lôi kéo thêm được người khác tham gia. Dịch vụ này phát triển nhanh đến nỗi nó trở thành bản mẫu cho tất cả các dịch vụ thanh toán qua mạng khác. Người mua muốn dùng nó bởi quá nhiều người bán chấp nhận nó, và người bán chấp nhận nó bởi quá nhiều người mua dùng nó. Và PayPal phải cám ơn người dùng eBay - những người sử dụng dịch vụ của họ để gửi và nhận tiền trả cho các hoạt động đấu giá trên eBay, và qua đó đem lại thành công bước đầu cho PayPal. Thậm chí PayPal còn đánh bại eBay trong lĩnh vực thương mại trực tuyến, lấn lướt phương thức thanh toán Billpoint do eBay xây dựng đến nỗi năm 2002, eBay phải mua lại PayPal. Sau đó eBay chấm dứt Billpoint và đưa PayPal vào dịch vụ của mình. Những người bán có tài khoản PayPal có thể đưa logo của họ vào các cuộc đấu giá, và người mua chỉ việc click lên logo của PayPal sau khi thắng cuộc đấu giá để thanh toán ngay lập tức.

Đầu năm 2002, cổ phiếu của PayPal lên sàn, bắt đầu với giá $15.41 mỗi cổ phiếu và đến khi kết thúc giao dịch trong ngày, giá của nó đã là $20 một cổ phiếu. Cùng năm đó, eBay mua lại PayPal với giá 1.4 tỉ đôla giá trị cổ phiếu. Mới đây, eBay lại bỏ ra 370 triệu đôla để mua một đối thủ cạnh tranh khác của PayPal là VeriSign.

Các loại tài khoản PayPal

Ba loại tài khoản PayPal có những điểm khác nhau đặc trưng cho mỗi loại. Tuy vậy chúng đều có những tính năng cơ bản của PayPal bao gồm:   

·          Gửi tiền

·          Rút tiền

·          Đấu giá

·          Trả tiền qua mạng

·          Thị trường tiền tệ

·          Thẻ ghi nợ ảo

·          Bảo hiểm tài khoản

·          Dịch vụ khách hàng qua e-mail

Tài khoản cá nhân trên PayPal cũng cho phép bạn hưởng tất cả các dịch vụ trên, nhưng chỉ thế mà thôi. Dịch vụ hỗ trợ khách hàng chủ yếu thực hiện qua e-mail. Cũng có dịch vụ hỗ trợ qua điện thoại, nhưng nó không được miễn phí và khách hàng thường phải chờ đợi rất lâu. Ngoài ra tài khoản cá nhân không phải chịu phí giao dịch, nhưng vẫn phải trả phí để sử dụng một số tính năng khác như đổi tiền chẳng hạn. Tài khoản cá nhân có giới hạn là 500 đôla mỗi tháng. Vì vậy, nếu bạn nhận được số tiền nhiều hơn thế, bạn sẽ phải nâng cấp lên tài khoản Cao cấp hoặc tài khoản Doanh nghiệp (hoặc là từ chối khoản tiền quá giới hạn). 

 

Hình 7 :  Các loại tài khoản PayPal

Tài khoản cao cấp và tài khoản doanh nghiệp cũng gần như nhau. Chỉ có điều khác biệt duy nhất là tài khoản doanh nghiệp phải được đăng ký dưới tên một công ty hay một tổ chức, còn tài khoản cao cấp thì có thể đăng ký dưới tên một công ty, một tổ chức hoặc một cá nhân. Ngoài ra, một tài khoản doanh nghiệp cũng có thể có nhiều người dùng khác nhau.

Ngoài các tính năng cơ bản, tài khoản doanh nghiệp và tài khoản cao cấp còn có thể chấp nhận:

·          Tiền thanh toán qua thẻ tín dụng không giới hạn

·          Ưu tiên nhận tiền

·          Đăng ký dài hạn

·          Thẻ ATM/Debit  

·          Thanh toán hàng loạt

Tài khoản doanh nghiệp và tài khoản cao cấp còn có dịch vụ hỗ trợ khách hàng miễn phí qua điện thoại với thời gian lâu hơn.

Các tính năng phụ thêm kể trên đòi hỏi người dùng phải trả phí giao dịch. Việc gửi tiền vẫn miễn phí, nhưng để nhận tiền, người nhận sẽ phải trả 2.9% số tiền nhận được. Còn nếu người dùng nhận được số tiền rất lớn -- từ 3000 đôla trở lên mỗi tháng, số tiền giao dịch sẽ giảm xuống còn 2.5%, nếu trên 10000 đôla, số tiền giao dịch sẽ chỉ còn 1.9 đôla. Ngoài ra, tất cả các giao dịch nhận tiền bất kể số tiền lớn hay nhỏ, đều phải trả 0.3 đôla. 

Giới hạn tiền gửi

Một phần phức tạp của PayPal là giới hạn tiền gửi đối với mỗi tài khoản mới. Giới hạn này thường là 2000 đôla, nhưng đôi khi người dùng bên ngoài nước Mỹ không thể gửi tiền qua tài khoản cho đến khi họ thực hiện quá trình xác nhận tài khoản để nâng giới hạn này lên. Một khi bạn đã đạt đến giới hạn này, bạn không thể nào gửi tiền trước khi xác nhận tài khoản của mình. Tuy vậy, những giới hạn trên không cố định mãi mãi, và một số giao dịch cũng không được tính vào giới hạn. Hợp đồng với người dùng của PayPal không nói rõ khi nào hay tại sao giới hạn trên lại thay đổi, hoặc những giao dịch nào không được tính vào giới hạn.

 
 
Gửi tiền qua PayPal

Trên 70% số người dùng eBay cho phép người mua thanh toán qua PayPal, và một phần lớn trong khối lượng giao dịch qua PayPal là từ những cuộc đấu giá trực tuyến. Tuy vậy, một trong số những bí quyết dẫn đến thành công của PayPal là khả năng vươn ra ngoài giới hạn eBay. Bạn có thể sử dụng nó để gửi tiền cho một người bạn, đóng góp cho một quỹ từ thiện, hay mua hàng trên mạng. 

Hình 8 : Gửi tiền qua PayPal rất đơn giản

Quá trình đóng góp cho một quỹ từ thiện qua PayPal cũng giống như gửi tiền cho bạn bè vậy. Bạn cần có địa chỉ của quỹ từ thiện, hoặc quỹ từ thiện đó cũng có thể có một ô giúp bạn đóng góp trực tiếp qua đó. Sự khác biệt duy nhất là ở mục "Category of Purchase" trên trang thanh toán của PayPal. Những giao dịch thế này có thể phải trả phí, tuỳ thuộc vào nguồn tiền -- nếu bạn rút tiền qua PayPal từ thẻ tín dụng, bạn có thể phải chịu phí. Nếu không, bạn có thể chọn mục "Service"  và việc đóng góp sẽ diễn ra suôn sẻ mà không phải trả bất cứ loại phí nào. 

 

Hình 9 : Trang PayPal Shopsbao gồm những công ty bán hàng trực tuyến chấp nhận PayPal.

Bạn cũng có thể sử dụng PayPal để mua hàng từ những công ty không thuộc eBay nhưng vẫn chấp nhận PayPal. Sau khi chọn món hàng mình cần mua, hãy vào trang thanh toán của website đó. Bạn có thể chọn cách thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc qua PayPal. Sau đó gửi tiền cho công ty và hoàn thành vụ mua bán. Một số công ty bán hàng trực tuyến tích hợp luôn PayPal vào website của họ, tức là bạn chỉ cần nhập thẳng thông tin tài khoản PayPal của bạn vào đó. 

 

Hình 10 : Chỉ cần bấm lên nút PayPal để sử dụng phương thức thanh toán này.

Nếu một website chỉ chấp nhận thẻ tín dụng thì bạn vẫn có thể sử dụng tài khoản PayPal của mình để trả tiền. Người dùng PayPal có thể sử dụng tính năng "PayPal Debit Bar" để lập một số thẻ MasterCard ảo. Với số thẻ ảo này, bạn có thể sử dụng để thanh toán với bất kỳ công ty nào chấp nhận MasterCard, và khoản tiền đó sẽ được rút ra từ tài khoản PayPal của bạn, tất nhiên là hoàn toàn miễn phí.  

Ví dụ như, bạn muốn dùng PayPal để mua thứ gì đó từ Amazon.com, nhưng Amazon lại không chấp nhận bạn trả tiền qua PayPal. Khi đó bạn có thể kích hoạt chức năng Debit Bar trong tài khoản PayPal của bạn. Chỉ cần bạn chắc chắn rằng tài khoản của mình còn đủ tiền để mua hàng, PayPal sẽ cho bạn một số gồm 16 chữ số, cũng như số thẻ tín dụng vậy. Sau đó chọn phương thức thanh toán qua MasterCard trên trang thanh toán của Amazon và gõ dãy số trên vào.

Nhận tiền qua PayPal

Những người bán muốn sử dụng PayPal để nhận tiền có rất nhiều lựa chọn khác nhau. Với nhu cầu thanh toán cơ bản như từ việc đấu giá trực tuyến hay bán hàng trên website, họ chỉ cần cung cấp cho người mua địa chỉ e-mail của họ là người mua có thể trả tiền vào tài khoản PayPal của người bán. Những người bán hàng trên eBay sellers có thể tích hợp PayPal vào trang đấu giá của họ, và hoá đơn thanh toán mà PayPal gửi cho người thắng trong cuộc đấu giá sẽ bao gồm một đường link để trả tiền qua PayPal. 

 

Hình 11 : Bạn có thể dùng PayPal để nhận tiền từ bất kỳ ai.

PayPal cũng cung cấp thêm những dịch vụ khác cho người bán hàng trực tuyến. Trước khi PayPal ra đời, nếu ai đó muốn nhận tiền trực tuyến qua thẻ tín dụng phải mở một tài khoản doanh nghiệp ở công ty thẻ tín dụng. Và việc thiết lập một giao diện web để sử dụng tài khoản này có thể rất phức tạp và khó khăn. Nhưng PayPal đã giải quyết được vấn đề này. Những người sở hữu tài khoản Doanh nghiệp hoặc tài khoản Cao cấp trên PayPal có thể thêm vào một nút mở Buy Now, một giỏ hàng PayPal, hoặc những lựa chọn thanh toán và trả lại hàng.  

Phím Buy Now sẽ cho phép người bán đưa mã HTML vào trang của mình để người mua có thể click vào khi họ muốn mua một món hàng nào đó. Việc này giúp người mua có được một trang thanh toán an toàn để cung cấp thông tin thẻ tín dụng và địa chỉ để gửi hàng đến. Sau khi quá trình giao dịch hoàn tất, khoản tiền thanh toán, trừ đi phí trả cho PayPal sẽ được gửi thẳng vào tài khoản người bán.

Còn giỏ hàng PayPal thì nhanh hơn nhưng cũng đem lại kết quả y hệt. Mỗi món hàng được gắn một mã HTML với nhiều lựa chọn khác nhau (thêm vào giỏ hàng, xem giỏ hàng), cùng với thông tin chi tiết về món hàng dó. Người mua có thể thêm hàng mà họ muốn mua vào giỏi hàng, và khi thanh toán họ sẽ được được đưa đến một trang thanh toán an toàn giống như Buy It Now vậy.

 

Hình 12 : Quá trình thanh toán qua tài khoản Standard Merchant

PayPal có hai loại tài khoản doanh nghiệp chính là Standard và Pro, có một số tính năng khác nhau. Với một tài khoản tiêu chuẩn, khi một khách hàng thanh toán, họ sẽ được đưa đến một trang của PayPal để đăng nhập và thực hiện việc trả tiền. Còn với một tài khoản chuyên nghiệp, PayPal sẽ ngầm thực hiện việc giao dịch – khách hàng thanh toán hoàn toàn trên trang web của người bán. Một tài khoản chuyên nghiệp có mức phí giao dịch cao hơn ( từ 2.2 đến 2.9 % so với từ 1.9 đến 2.9% đối với tài khoản tiêu chuẩn) cộng thêm mức phí hàng tháng là 20 đôla. Chủ tài khoản cũng cần có một chút kiến thức về dịch vụ trực tuyến và API, cộng thêm ít nhất là hai ngày cài đặt. 

 

Hình 13 : Quá trình thanh toán qua tài khoản Pro Merchant  

PayPal cũng thực hiện giao dịch đối với những công ty bán hàng cho người mua bên ngoài nước Mỹ. Mức phí đổi tiền đến bất cứ loại tiền tệ nào là 2.5%. Hiện tại PayPal chấp nhận trả tiền đối với các loại tiền sau: 

·          Đôla Canada 

·          Euro

·          Bảng Anh

·          Đôla Mỹ   

·          Yen

·          Đôla Australia 

Một số vấn đề khi sử dụng PayPal 

Quỹ thị trường tiền tệ

Cách duy nhất người dùng PayPal có thể sử dụng để kiếm tiền từ tài khoản của chính họ là đăng ký dịch vụ này. Không giống như tài hoản thị trường tiền tệ, quỹ thị trường tiền tệ không được FDIC bảo hiểm. Vào đây để biết thêm thông tin.

Không phải tất cả người dùng đều cảm thấy hài lòng với PayPal. Trong thực tế, có nhiều người cảm thấy công ty này đã bóc lột họ đến nỗi có hẳn những trang web tồn tại chỉ để công kích PayPal, nổi tiếng nhất là trang PayPal Sucks.

Lý do lớn nhất khiến mọi người chỉ trích PayPal là công ty này hoạt động như một ngân hàng, nhưng lại không có chức năng như một ngân hàng, tức là PayPal không cung cấp bất cứ biện pháp bảo vệ hay dịch vụ khách hàng hoặc dịch vụ giải quyết khiếu nại nào như các ngân hàng thực sự thường làm. Cùng một lúc, PayPal sở hữu số tiền lớn từ tài khoản người dùng, thực hiện hàng triệu giao dịch tài chính, thậm chí phát hành cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

Vậy thì tại sao nó lại không được nhìn nhận như một ngân hàng? Năm 2002, Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi ngân hàng liên bang (FDIC) thông báo do PayPal không đáp ứng định nghĩa của liên bang về một tổ chức chấp nhận tiền gửi như một ngân hàng, giữ tiền thực hoặc sở hữu xác nhận ngân hàng, nên nó không phải là một ngân hàng. Nói cách khác, PayPal không phải là ngân hàng bởi nó không tự nhận mình là một ngân hàng. Do vậy, hầu hết các bang đều chỉ gọi PayPal là một “dịch vụ tài chính”. 

Một trong số những vấn đề mà người dùng PayPal thường gặp nhất là tài khoản của họ bất ngờ bị đóng băng, tức là họ không thể gửi hoặc rút tiền từ tài khoản của mình, và phải thực hiện một quá trình rất dài dòng phức tạp để xác nhận danh tính của họ. Một số người còn cáo buộc PayPal nhận tiền của họ và không bao giờ trả lại.

Bản thân tài khoản PayPal của tôi cũng từng bị đóng băng vào năm 2003. Rõ ràng là việc tôi thay đổi địa chỉ đã bị PayPal xếp vào loại “dấu hiệu lừa đảo” và phong toả tài khoản của tôi, mặc dù tôi đã làm theo đúng những bước để thay đổi địa chỉ của mình. Sau đó, tôi thử gọi đến dịch vụ chăm sóc khách hàng của PayPal và kết quả là tài khoản của tôi bất ngờ hoạt động trở lại.  

Theo lời của những nhân viên từng làm việc cho PayPal thì việc đóng băng và “rã đông” các tài khoản được thực hiện rất tuỳ hứng và không liên quan đến bất kỳ biện pháp bảo vệ an ninh nào. Họ cũng cho biết những người đứng đầu công ty này coi việc này như một quá trình tất yếu. Một số người lại cảm thấy rằng PayPal cố tình kiếm tiền từ tài khoản của khách hàng để bù lại những thiệt hại do các vụ lừa đảo gây ra.

Bạn có thể tìm thấy vô số những lời chỉ trích thẳng thắn (cho dù có hơi lạc hậu một chút) chống lại PayPal tại đây. Ngoài ra, một số cáo buộc khác chống lại PayPal còn có: 

·          An ninh kém, mặc dù họ luôn tự nhận mình là phương thức giao dịch trực tuyến an toàn 

·          Một bản hợp đồng dịch vụ dài dòng và rắc rối nhằm lừa người dùng từ bỏ cả quyền kiện công ty lẫn quyền được bảo vệ bởi luật thẻ tín dụng 

·          Nhân viên dịch vụ chăm sóc khách hàng rất thô lỗ   

·          Quá trình tuyển nhân sự tồi dẫn đến nhiều vụ lừa đảo do người trong công ty gây ra 

Tuy vậy, bất chấp những lời chỉ trích trên, PayPal vẫn tiếp tục là dịch vụ giao dịch trực tuyến phổ biến nhất thế giới.

Bảo hiểm FDIC

Mặc dù bản thân PayPal không phải là một ngân hàng được FDIC công nhận, nó vẫn giữ tiền của bạn trong nhiều ngân hàng FDIC trên toàn nước Mỹ (vào đây để biết được PayPal đang sử dụng những ngân hàng nào). Theo như PayPal, số tiền của bạn sẽ được hưởng bảo hiểm, tức là bạn vẫn có thể lấy lại tiền nếu như ngân hàng phá sản. Loại hình bảo hiểm này không thể bảo vệ bạn nếu như PayPal phá sản, mặc dù công ty này vẫn nói rằng “tiền của bạn sẽ được bảo vệ khỏi bất cứ chủ nợ nào của PayPal và sẽ được trả lại cho bạn ngay cả trong trường hợp rất ít khả năng xảy ra là PayPal không thể trả được nợ”.