Hệ điều hành Web hoạt động ra sao

Giới thiệu Khi thế giới Web ngày càng phát triển thì con người cũng sáng tạo ra những từ mới để miêu tả các tính năng và ứng dụng của nó.

Đôi khi, một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi ngay cả khi ít ai hiểu được nghĩa chính xác của nó. Hệ điều hành Web là một trong số những thuật ngữ như vậy. 

\"\"

Màn hình đăng nhập của hệ điều hành AstraNOS.­

Một hệ điều hành (OS) là một chương trình đặc biệt có nhiệm vụ tổ chức và quản lý phần cứng cũng như phần mềm máy tính. Hệ điều hành tương tác trực tiếp với phần cứng máy tính và đóng vai trò làm nền tảng cho các ứng dụng khác. Cho dù là Windows, Linux, Unix hay Mac OS X thì chiếc máy tính của bạn cũng phụ thuộc vào hệ điều hành. 

Đó là lý do tại sao một số người quan tâm tới khái niệm hệ điều hành Web. Một hệ điều hành Web là một giao diện người dùng (UI) cho phép người dùng truy cập các ứng dụng chứa toàn bộ hoặc một phần trên Web. Nó có thể giống với giao diện người dùng của các hệ điều hành máy tính thông thường như Windows, nhưng lại không tương tác trực tiếp với phần cứng máy tính. Mà máy tính người dùng vẫn có thể dùng hệ điều hành riêng.  

Tên gọi

Một số người dùng thuật ngữ "WebOS" thay cho Web OS (hệ điều hành Web), nhưng cách dùng này có vấn đề bởi WebOS cũng là tên của một dự án mà Đại học California, Berkeley triển khai vào năm 1996. Dự án này phục vụ việc xây dựng ứng dụng diện rộng. Nó không giống chút nào với hệ điều hành Web. Một số người khác lại phản đối việc dùng từ “hệ điều hành” mà lại thích dùng từ phần mềm "Web Desktop" hoặc "Webtop" để chỉ các ứng dụng này. Đó là bởi hệ điều hành Web thường có xu hướng mô phỏng các ứng dụng truyền thống trên máy tính để bàn.

 

Mặc dù danh sách các hệ điều hành máy tính không phong phú cho lắm nhưng với hệ điều hành Web thì lại hoàn toàn ngược lại. Có đến hàng chục hệ điều hành Web hiện có, một số trong số chúng cung cấp rất nhiều dịch vụ Web khác nhau, trong khi số khác vẫn đang trong quá trình phát triển và chỉ có một số chức năng giới hạn. Trong một số trường hợp, có thể có một lập trình viên đầy tham vọng đứng sau dự án. Một số hệ điều hành Web khác lại là sản phẩm của nỗ lực nhóm. Một số cho phép download miễn phí nhưng một số lại đòi hỏi phải trả phí. Hệ điều hành Web cũng có đủ hình dạng và kích thước. 

Vậy chính xác thì hệ điều hành Web làm nhiệm vụ gì? Hãy tìm câu trả lời trong phần tiếp theo. 

Hệ điều hành Web làm nhiệm vụ gì?

Hệ điều hành Web là giao diện dẫn tới các hệ thống máy tính riêng biệt , đặc biệt là đám mây hoặc hệ thống điện toán tiện ích.Trong các hệ thống này, một công ty sẽ cung cấp dịch vụ máy tính cho người dùng thông qua kết nối Internet. Nhà cung cấp sẽ chạy một hệ thống các máy tính bao gồm cả máy chủ ứng dụng và cơ sở dữ liệu. 

Trong một số hệ thống, người dùng truy cập ứng dụng bằng cách dùng các trình duyệt Web như Firefox hay Internet Explorer. Nói các khác, người dùng phải tải một chương trình để tạo ra một Client đặc trưng cho hệ thống. Client là một phần mềm chuyên truy cập thông tin hoặc dịch vụ từ các phần mềm khác. Trong trường hợp nào thì người dùng cũng truy cập được những chương trình chứa trên Web chứ không phải trên máy tính của họ. 

Vậy thì chúng cung cấp loại dịch vụ gì? Hệ điều hành có thể đem đến cho bạn bất kỳ chương trình nào mà bạn vẫn chạy trên máy tính. Một số ứng dụng phổ biến bao gồm:

  • Lịch
  • Email
  • Quản lý file
  • Games
  • Chương trình chat
  • Chương trình biên tập ảnh, video và audio 
  • RSS  
  • Chương trình bảng tính
  • Chương trình xử lý văn bản

Với các hệ điều hành truyền thống, bạn sẽ phải cài đặt ứng dụng lên chính máy tính của mình. Các ứng dụng này sẽ tồn tại trên ổ đĩa cứng máy tính và chạy bằng cách dựa trên khả năng tính toán của CPU để thực hiện và gửi những yêu cầu tới hệ điều hành của máy tính .

Tất nhiên hệ điều hành Web không thể thay thế được hệ điều hành trên máy tính của bạn – thực ra nó còn phụ thuộc vào sự hoạt động của các hệ điều hành truyền thống. Về phía người dùng phần mềm Web OS, cho dù bằng trình duyệt Web hay một ứng dụng khách đặc trưng cho máy tính đó thì nó cũng đứng trên hệ điều hành máy tính. Nhưng các lập trình viên lại thiết kế sao cho Web OS có dáng vẻ và hành động như một hệ điều hành trên desktop. Một Web OS có thể trông rất giống một hệ điều hành truyền thống, nhưng không quản lý phần cứng và phần mềm của máy tính .   


\"\"
Những Portal như iGoogle không phải là hệ điều hành Web, nhưng chúng cũng tập trung thông tin từ các Website khác vào một trang Web chung. 

Một Web OS cho phép bạn truy cập những ứng dụng không chứa trên máy tính và chứa trên Web. Ứng dụng này tồn tại một phần hoặc toàn bộ trên máy chủ Web, trong phạm vi một mạng lưới cung cấp cố định. Khi lưu thông tin trong một ứng dụng, có thể bạn không lưu vào máy tính của mình . Thay vào đó, bạn đã lưu thông tin vào cơ sở dữ liệu kết nối Internet. Một số hệ điều hành Web cũng cho phép bạn lựa chọn lưu thông tin lên ổ cứng.   

Không được gọi là Portal

Rất dễ nhầm Web OS với một Portal . Portal là các trang Web cho phép người dùng truy cập nhiều ứng dụng và những dịch vụ khác nhau. Ví dụ như iGoogle là một Portal cho phép người dùng tuỳ biến trang Web bằng các feed, email, game và các ứng dụng khác. Những Portal giúp người dùng có cơ hôi truy cập nhiều ứng dụng hoặc nguồn dữ liệu từ một trang duy nhất, nhưng chúng không cố mô phỏng hệ điều hành trên máy tính của bạn. 

 

Do hệ điều hành Web không gắn với một máy tính hay thiết bị nhất định nên bạn có thể truy cập ứng dụng và dữ liệu Web từ bất cứ thiết bị nào nối mạng. Tức là bạn có thể làm điều này miễn là ứng dụng bạn dùng đang chạy phần mềm điều hành Web (cho dù đó là một trình duyệt Web hay là một Client ). Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể truy cập Web OS từ một máy tính, tạo một văn bản, lưu kết quả và truy cập lại trên một máy tính hoàn toàn khác. Hệ điều hành Web đem đến cho người dùng lợi ích truy cập rất lớn bởi dữ liệu không gắn liền với một máy tính duy nhất. 

Vậy Web OS làm việc như thế nào? Hãy đọc tiếp để tìm ra câu trả lời. 

Ví dụ về một số hệ điều hành Web 

Có rất nhiều hệ điều hành Web hiện đang ở các giai đoạn hoàn thiện khác nhau, bao gồm:  

       AstraNOS

       DestkopOnDemand

       eyeOS

       G.ho.st

       goowy

       YouOS

Công nghệ hệ điều hành Web 

Do có quá nhiều hệ điều hành Web đã có mặt trên thị trường hoặc đang được hoàn thiện nên cũng không có gì ngạc nhiên khi các lập trình viên lại sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt được một kết quả chung. Tuy mục tiêu của Web OS là đem đến một trải nghiệm tương tự như với hệ điều hành trên máy tính, nhưng cũng không có luật lệ nào quy định cách thực hiện điều đó. Có hai cách phổ biến nhất đó là dựa vào công nghệ Flash hoặc dựa vào công nghệ Asynchronous JavaScript and XML (AJAX).

Flash là một nhóm nhiều công nghệ cho phép các lập trình viên tạo ra Website tương tác. Đó là một công nghệ sử dụng đồ họa vector, chuyên ghi lại dữ liệu hình ảnh dưới dạng tổng hợp các hình dạng và đường nét thay vì các pixel, giúp máy tính tải hình ảnh Flash và các ảnh khác nhanh hơn so với đồ họa pixel. 

File Flash sẽ được truyền qua mạng Internet, tức là người dùng cuối cùng truy cập file sẽ không phải đợi tải toàn bộ File xuống máy tính của mình . Với những ứng dụng Flash như những đoạn Video có trên YouTube, bạn có thể xem những đoạn Video trên đó mà không cần phải tải toàn bộ File này về máy tính ngay lúc ban đầu.   

Trên 98% số máy tính có nối mạng Internet đều cài trình để chạy File định dạng Flash [nguồn: Adobe]. Điều này khiến Flash trở thành một cách tiếp cận rất thu hút các lập trình viên bởi họ có thể tạo ra một Web OS khi biết chắc chắn phần lớn số người dùng máy tính sẽ sử dụng được nó mà không phải download thêm bất kỳ phần mềm gì hết. 

Công nghệ AJAX thì tùy thuộc vào HTML, ngôn ngữ lập tình JavaScript, CSS và XML. Đây là một công nghệ của trình duyệt. Ngôn ngữ HTML là tổng hợp của các tag markup mà lập trình viên dùng trong các file text để thông báo cho trình duyệt Web cách hiển thị file text như một trang Web. CSS là một công cụ đem đến cho lập trình viên nhiều lựa chọn hơn khi thay đổi diện mạo trang Web. Lập trình viên có thể lập một style sheet với những thuộc tính nhất định như kiểu font và màu sắc, sau đó áp dụng những thuộc tính này vào nhiều trang Web cùng một lúc. JavaScript thì là một ngôn ngữ lập trình cho phép gửi thông tin qua lại giữa máy chủ Web và trình duyệt. XML là một ngôn ngữ markup, tức là lập trình viên sẽ dùng nó để miêu tả cấu trúc thông tin trong một file và quan hệ của nó với các thông tin khác. 

Tính “không đồng bộ” của AJAX tức là các ứng dụng AJAX chuyển dữ liệu giữa máy chủ và trình duyệt dưới dạng các bit nhỏ thông tin nếu cần. Còn có một cách làm khác là gửi toàn bộ trang Web cho trình duyệt mỗi lần có gì đó thay đổi, cách làm này khiến cho trình duyệt chạy khá chậm. Nhưng một lập trình viên có đủ kỹ năng và kiến thức có thể tạo ra ứng dụng AJAX với cùng các tính năng như một ứng dụng desktop.    

Cũng như Flash, hầu hết các máy tính đều có thể chạy ứng dụng AJAX. Đó là bởi AJAX không phải là một ngôn ngữ lập trình mới mà là một cách sử dụng các tiêu chuẩn Web sẵn có để tạo ra các ứng dụng mới. Miễn là người lập trình đưa đúng thông tin vào mã ứng dụng, ứng dụng đó sẽ chạy tốt trên bất kỳ trình duyệt nào. Một số ứng dụng Web nổi tiếng dựa trên AJAX gồm có cả Google Calendar và Gmail.

Vậy tại sao mọi người đều cần đến hệ điều hành Web? Hãy đọc tiếp để tìm ra câu trả lời. 

Tại sao phải sử dụng Web OS?

Hệ điều hành Web giúp đơn giản hóa thủ tục khi người dùng khi truy cập các ứng dụng lưu trên máy chủ Web từ xa. Trong điều kiện lý tưởng thì một hệ điều hành Web sẽ hoạt động như một hệ điều hành máy tính. Hệ thống càng quen thuộc và trực quan thì người dùng càng dễ học cách sử dụng Web OS. Khi một người chạy một ứng dụng nhất định, máy tính của người đó sẽ gửi yêu cầu đến Node điều khiển của hệ thống –  là một máy chủ đặc biệt hoạt động như một người quản trị hệ thống. Node này sẽ diễn giải yêu cầu và kết nối máy khách của người dùng với máy chủ hoặc cơ sở dữ liệu thích hợp. Bằng cách đưa các ứng dụng, bộ nhớ và khả năng xử lý đến một mạng lưới từ xa, người dùng không phải lo về việc nâng cấp máy tính vài năm một lần nữa. 


\"\"
YouOS là một trong số những hệ điều hành Web khá phổ biến trên mạng Internet.­

Với nhiều người thì đây là tính năng hấp dẫn nhất của hệ điều hành Web. Miễn là máy tính của họ chạy được trình duyệt hoặc phần mềm Client cần thiết cho việc truy cập hệ thống thì họ chẳng phải lo nâng cấp nữa. Một số người tỏ ra thất vọng khi phải mua máy tính mới để chạy những phần mềm cũ. Nhưng với công nghệ điện toán phân phối thì việc cung cấp chức năng ứng dụng thuộc về trách nhiệm của nhà cung cấp. Nếu nhà cung cấp không đáp ứng được yêu cầu của người dùng thì người dùng có thể bỏ đi tìm dịch vụ khác.   

Các hệ điều hành Web cũng có thể khiến cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các máy tính trở nên dễ dàng hơn. Có thể bạn đang sở hữu 2 chiếc máy: một Mac và một PC thì hẳn bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi chia sẻ dữ liệu giữa hai chiếc máy này. Thậm chí ngay cả khi bạn sử dụng các định dạng file tương thích với cả Mac và PC thì bạn vẫn phải copy một file y hệt lên từng máy. Việc thay đổi một bản copy không được phản ánh trên bản copy ở máy còn lại. Khi đó hệ điều hành Web sẽ đem đến cho bạn một giao diện để bạn có thể dùng bất kỳ loại máy nào để tạo lập, chỉnh sửa và truy cập một bản copy của file đã lưu từ một cơ sở dữ liệu ở xa. Chỉ cần Web OS bạn dùng có thể hoạt động cả trên Mac và PC là bạn đã có thể làm việc trên file này bất kỳ lúc nào bằng cả 2 máy.   

Tương tự, Web OS có thể đơn giản hóa các đối tượng tương tác. Nhiều Web OS cho phép người dùng chia sẻ file. Mỗi người có thể làm việc trên file đã lưu trên mạng lưới địa phương của hệ thống. Đối với nhiều người thì đây là một cách thay thế hiệu quả cho việc sắp xếp nhiều bản copy của cùng một file rồi đưa toàn bộ thay đổi của mọi người vào phiên bản mới. 

Tại sao không?

Một mối lo thường gặp đối với hệ điều hành Web là chúng buộc người dùng phải tin tưởng giao phó dữ liệu nhạy cảm cho một bên thứ ba. Với nhiều người thì đây là một dịp thử thách lòng tin. Liệu nhà cung cấp có thể bảo vệ dữ liệu của họ khỏi tin tặc hay không? Thực ra việc áp dụng những biện pháp an ninh tốt nhất nhằm bảo vệ an toàn cho dữ liệu người dùng chính là phục vụ cho lợi ích của nhà cung cấp. Khi các hệ thống điện toán phân phối trở nên phổ biến hơn, có thể chúng ta sẽ được chứng kiến những cuộc chiến giữa giới tin tặc và các chuyên gia an ninh.  

 

Hiện tại thì hệ điều hành Web chưa phát triển mạnh như hệ điều hành máy tính. Nhưng một số người tin rằng hệ điều hành Web vẫn cung cấp đủ tính năng để cạnh tranh với các bộ phần mềm truyền thống trên desktop. Nếu các nhà cung cấp Web OS giải quyết được những vấn đề như khoảng cách chức năng và an ninh dữ liệu, có thể các hệ thống mạng máy tính trên thế giới sẽ có nhiều biến chuyển đáng kể.

 

\"\"