Tránh Cameron Diaz, các tin tức nóng hổi, và cả Facebook

Theo bảng xếp hạng hàng năm của McAfee về những nhân vật nguy hiểm nhất đối với máy tính thì Cameron Diaz chính là ngôi sao giữ vị trí đầu bảng trong số tất cả các vận động viên, nhạc sĩ, chính trị gia, diễn viên hài hay các ngôi sao Hollywood.

Mặc dù không nói về văn hoá nhạc pop và tầm ảnh hưởng của nó nhưng bản thông báo của McAfee lại đề cập tới một vấn đề lớn hơn đó là cách tấn công hiệu quả của các phần mềm độc hại đối với các chủ đề nóng, xu hướng xã hội đang ngày một lôi kéo sự chú ý của những người dùng cả tin.

Theo bản thông báo của McAfee thì Cameron Diaz đã đánh bại Jessica Biel - là nhân vật nguy hiểm số một của năm ngoái - để dành vị trí dẫn đầu, đứng thứ 2 trong danh sách là Julia Robert. Có tới 10% trong số tất cả những kết quả tìm kiếm trực tuyến về ngôi sao của Shrek Forever After và Knight and Day dẫn đến các trang web độc hại gây ảnh hưởng tới hệ thống của bạn.

Trong một bài báo giới thiệu về danh sách Các nhân vật nguy hiểm nhất, McAfee đã cảnh báo rằng: "Bọn tội phạm thường sử dụng tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng nhằm lừa người sử dụng truy cập vào các trang có chứa các phần mềm độc hại. Và bất cứ ai tìm những video hay hình ảnh mới nhất thì máy tính của họ đều có thể bị lây nhiễm phần mềm độc hại chứ không phải là nội dung họ đang tìm kiếm."

Bài báo này cũng đưa ra quan điểm của giám đốc trung tâm truyền thông nghiên cứu bảo mật thuộc công ty McAfee Labs, ông Dave Marcus: "Năm nay, các kết quả tìm kiếm đối với những nhân vật nổi tiếng đã an toàn hơn so với các năm trước nhưng dù sao tìm kiếm trực tuyến vẫn là một mối nguy hiểm lớn." Ông cũng bổ sung: "Người sử dụng đã thông minh hơn khi tìm kiếm trực tuyến, nhưng bọn tội phạm cũng sử dụng những kỹ thuật tinh vi hơn. Hiện nay, thay vì các trang web và phần mềm download, chúng đã giấu nội dung độc hại ở những nơi kín đáo hơn như một địa chỉ URL rút ngắn và có thể lây lan rộng rãi trong các mạng xã hội và Twitter".

Mặc dù vậy, các cuộc tấn công phần mềm độc hại cũng không chỉ giới hạn trong thế giới nhạc pop. Những kẻ phát triển phần mềm độc hại càng ngày càng thông minh và lão luyện hơn trong việc đưa tin tặc vào những chủ đề nóng và lợi dụng sự tin tưởng cố hữu vào mạng xã hội để lừa người dùng cả tin.

Bản báo cáo về Threat và Spamscape cho 6 tháng đầu năm 2010 của AppRiver đã nhấn mạnh các xu hướng nổi bật khác. Khi các tiêu đề nóng hổi về thiên tai như động đất xảy ra ở Haiti, hay các sự kiện diễn ra trên thế giới như World Cup 2010 xuất hiện, cũng là lúc những kẻ phát triển phần mềm độc hại tận dụng bằng cách tạo ra các đường link, trang web giả mạo và cả những thủ thuật lừa lọc khác.

Các tổ chức cần có những biện pháp an ninh cụ thể để đảm bảo hệ thống của họ không bị lây nhiễm bởi các cuộc tấn công như vậy. Điều quan trọng là cần phải có lớp phòng thủ như tường lửa, lọc spam và phải bảo vệ hệ thống với những công cụ chống phần mềm độc hại.

Mặc dù vậy, các quản trị viên IT cũng có thể giúp ngăn chặn sự xâm nhập của những mối nguy hiểm bằng việc đảm bảo rằng người sử dụng được cảnh báo và hướng dẫn đầy đủ. Những người sử dụng được hướng dẫn về các biện pháp bảo mật như không nhấn vào các đường link mình không biết hay mở các tệp đính kèm không rõ nguồn gốc, và cần cảnh giác hơn đối với những chủ đề thời thượng, tin nóng hổi và cả các mạng xã hội.

 \"\"\"\"