Nhìn lại 16 đột phá trong lịch sử laptop

Kể từ chiếc máy tính cầm tay đầu tiên năm 1968 cho tới chiếc OLPC XO (gợi cảm hứng cho netbook) và tablet CrunchPad Web
Kể từ chiếc máy tính cầm tay đầu tiên năm 1968 cho tới chiếc OLPC XO (gợi cảm hứng cho netbook) và tablet CrunchPad Web trong tương lai gần, 16 chiếc notebook này đã đánh dấu những bước quan trọng trong chặng đường phát triển của laptop. 

 

Các cột mốc trong chặng đường phát triển laptop  

Kể từ năm 1968, khi một nhà thiết kế của Xerox PARC hình thành ý tưởng về chiếc NoteBook đầu tiên mang tên Dynabook, ngành công nghiệp máy tính đã chứng kiến một chuỗi những sáng tạo trong công nghệ di động. Năm nay, lần đầu tiên doanh thu từ Laptop đã vượt qua doanh thu từ máy tính để bàn, theo hãng nghiên cứu thị trường -- iSuppli.

Trong bài báo này chúng ta sẽ cùng nhìn lại những đột phá lớn nhất trong quá trình phát triển laptop kể từ khi dân máy tính lần đầu mơ về việc có thể xách chiếc máy tính yêu quý của mình đi khắp mọi nơi. 

Dynabook

Mô hình thiết bị này được xem là nguồn cảm hứng cho máy tính xách tay hiện đại. Do Alan Kay nghĩ ra năm 1968 tại Xerox PARC, thiết bị này bị coi là “máy tính cá nhân cho trẻ em ở mọi lứa tuổi.” 

Khi đó Kay muốn tạo ra một thiết bị cầm tay mỏng, nặng khoảng 1kg và có màn hình bằng khoảng một trang giấy (Kay hình dung rằng ông cần một màn hình 1 triệu pixel mới đạt được điều này). Nhưng thật không may, công nghệ cần thiết để tạo ra một thiết bị như vậy mãi đến gần đây mới xuất hiện – và thậm chí đến ngày nay, chiếc Dynabook do Kay hình dung vẫn chưa thành hiện thực. 

 \"\"

Máy điện báo xách tay

40 năm trước, máy tính thường chiếm cả một căn phòng lớn nhưng khả năng xử lý của chúng thì chưa bằng smartphone ngày nay. Nhưng giấc mơ về một chiếc máy tính cầm tay thì đã hình thành. Mới đây PC đã phát hiện ra bằng chứng về tham vọng này trong một số báo cũ của mình. Tháng 3/1968, bạn sẽ không muốn mang theo một chiếc máy tính bên mình, nhưng có thể mang theo giao diện điện báo, nhờ vào chiếc KSR-33 của Teletype Corporation. Chiếc máy này cho phép người dùng kết nối với máy điện báo để gửi tin nhắn từ nơi này đến nơi khác cách rất xa. 

\"\" 

Osborne 1

Năm 1981 làm cả giới công nghệ hoan hỉ khi lần đầu tiên một chiếc máy tính cầm tay đã xuất hiện. Chiếc Osborne 1 của Osborne Computer Corporation là một chiếc máy khổng lồ với màn hình 5 inch và case riêng đi kèm. Trang bị hai ổ đĩa mềm, Osborne 1 có giá $1795 (đã gồm phần mềm) và nặng 10.5 kg.   

 \"\"

Grid Compass 1100

Chiếc Grid Compass 1100 nặng 6 kg – chiếc máy tính đầu tiên có dạng gập – đã mang dáng dấp của laptop hiện đại. Ban đầu chiếc máy này được thiết kế cho NASA và chỉ cung cấp cho thị trường cá nhân vào năm 1982. Grid Compass 1100 có 340KB bộ nhớ, giá tiền $8000 đã kèm phần mềm và hợp đồng bảo hành bắt buộc. Nhưng mặc dù có vị trí quan trọng trong lịch sử laptop, Grid đã không tồn tại được lâu do không tương thích với IBM.   

 \"\"

IBM PC Convertible

Trước năm 1985 rất nhiều người đã tự hỏi liệu khái niệm về laptop có còn tồn tại được nữa không. Trên tờ New York Times, Erik Sandberg-Diment đã đặt ra câu hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với laptop?” Còn Sandberg-Diment thì chỉ ra sự sụt giảm về số lượng laptop ông nhìn thấy trên các chuyến bay đến triển lãm máy tính Comdex liên tục trong các năm từ 1983 đến 1985, và tự hỏi có phải trào lưu này đã chấm dứt. Nhưng đến năm 1986, mọi thứ đã thay đổi khi chiếc IBM PC Convertible ra đời. Với giá $1995, PC Convertible là chiếc laptop đầu tiên thành công về mặt thương mại, và là thiết bị đầu tiên của IBM có trang bị ổ đĩa mềm 3.5 inch. 

Chiếc IBM PC Convertible nặng gần 6kg – nặng hơn 1 kg so với Grid Compass 1100. Nó có bộ nhớ 256KB, 2 ổ đĩa mềm 3.5 inch, màn hình LCD, cổng máy in và bộ phần mềm cơ bản. 

 \"\"

Compaq SLT/286

Tháng 10 năm 1988, chiếc Compaq SLT/286 ra mắt. Đây là loại máy tính dầu tiên sử dụng đồ họa  VGA (độ phân giải 640x480 ), một cuộc cách mạng về màn hình máy tính xách tay. Chiếc SLT/286 này nặng gần 7kg, có ổ cứng 20MB, bộ xử lý 12MHz và bàn phím có thể tháo rời. Đây là một trong những chiếc máy tính đầu tiên đủ nhỏ gọn để đặt lên khay hành lý trên máy bay.   

 \"\"

PowerBook 100

Bước nhảy vọt tiếp theo trong công nghệ laptop diễn ra vào năm 1991 với chiếc Apple PowerBook 100. Được Sony sản xuất cho Apple, PowerBook 100 có khối cầu lăn ( TrackBall ) để thay cho chuột, và chỗ kê tay để làm việc thoải mái hơn. Bộ phận này đã trở thành tính năng tiêu chuẩn cho cả những chiếc laptop do các hãng khác sản xuất.   

 \"\"

ThinkPad

Cuối năm 1992, IBM tiến thêm một bước trong thiết kế nhỏ gọn của chiếc PowerBook với dòng ThinkPad – nổi tiếng nhất là chiếc ThinkPad 700C có giá $4350, chạy Windows 3.1, có ổ cứng 120MB, CPU 486SLC 25MHz cùng với màn hình màu 10.4 inch TFT.    

Khi hệ điều hành ngày một phát triển và giao diện của chúng ngày càng mang tính đồ họa thì vai trò của chuột lại tăng lên. Trước khi PowerBook 100 ra đời, người dùng vẫn phải khổ sở mới nối được chuột vào bàn phím. Nhưng IBM đã đưa ra giải pháp mới: một thanh nhỏ màu đỏ gắn trên bàn phím gọi là TrackPoint.

 \"\"

Bàn cảm ứng - TouchPad

George Gerpheide sáng chế ra  Mouse kiểu TouchPad dựa trên điện dung vào năm 1988, nhưng đến năm 1994 công nghệ này mới xuất hiện trên laptop với dòng PowerBook 500 của Apple. Apple gọi phiên bản này là Trackpad, và nó nhanh chóng được các nhà sản xuất khác bắt chước. Bàn cảm ứng đã giúp việc sử dụng laptop trở nên dễ dàng và gọn nhẹ hơn rất nhiều. 

Series PowerBook 500 gồm 4 model: 520 (được PC World xếp vào top 10 loại laptop quan trọng nhất mọi thời đại hồi năm 2007), 520c, 540, và 540c. Thông số cơ bản của serie PowerBook 500 gồm 4MB RAM với dung lượng đến 36MB, bộ xử lý 25MHz và màn hình 9.5 inch. Các model trong dòng sản phẩm này cũng hỗ trợ 320MB không gian ổ cứng – một con số ấn tượng khi đó, nhưng chưa bằng 1/12 dung lượng của một chiếc iPod nhỏ nhất hiện nay.   

\"\" 

Ắc quy Lithium  Ion

Đầu năm 1994, một năm trước khi Windows 95 ra mắt, Toshiba giới thiệu 2 model đầu tiên trong dòng Portege T3400 là chiếc T3400 giá $2599 có màn hình đơn sắc và chiếc T3400CT giá $3900 có màn hình màu ma trận động, cả hai đều chạy Windows 3.1. Porteges có ngoại hình thay mảnh và màu xám thời thượng, sử dụng ắc quy Lithium Ion vốn được coi là “công nghệ mới nhất về năng lượng di động.”   

Nhờ có loại pin mới này mà Toshiba có thể khẳng định T3400 chạy được tối đa 6 giờ sau 1 lần sạc. Loại pin này có thể sạc xong trong 3 giờ khi máy tắt, và từ 8 đến 10 giờ khi máy hoạt đông.   

Các model trong dòng Portege T3400 đều nặng 2 kg và có bộ xử lý 486SX, RAM 4MB (có thể mở rộng lên 20MB), và ổ cứng 120MB. Chúng còn có khe cắm mở rộng PCMCIA để phục vụ bộ nhớ bổ sung. 

 \"\"

Chiếc laptop vững chãi

Năm 1996, khi mà hầu hết các hãng máy tính đều đua nhau đưa ra những mẫu máy mới mỏng hơn và chạy nhanh hơn thì Panasonic lại hướng đến loại máy to và bền. Kết quả là chiếc Toughbook CF-25—model đầu tiên trong dòng Panasonic Toughbooks ra đời và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Chiếc CF-25 được thiết kế để có thể chịu được lực khi rơi từ độ cao 0.6m xuống đất, chịu được cả bụi và độ ẩm. Chiếc Toughbook nguyên bản có vỏ máy làm bằng hợp kim nhôm, bộ xử lý 166MHz Intel Pentium I, tối đa 96MB RAM, và ổ cứng gần 1GB. Tuy thông số bên trong của chiếc laptop này không ấn tượng như vẻ bề ngoài thô kệch nhưng Toughbook đã giúp người dùng sử dụng được máy tính ở khoảng cách xa, trên chiến trường, và ở những nơi mà laptop bình thường không thể chịu đựng được. 

 \"\"

iBook G3 và sự ra đời của card không dây

iBook G3 là một trong nhiều ý tưởng sáng tạo mà Steve Jobs mang đến khi ông trở lại Apple vào năm 1996. Tại Macworld Expo 1999 ở New York, Jobs đã làm cả đám đông kinh ngạc khi trình diễn chiếc iBook để lướt net, ra mắt loại laptop đầu tiên có card không dây. Khi đó Jobs miêu tả iBook G3 là chiếc máy tính xách tay nhanh thứ hai thế giới (theo ông thì PowerBook là nhanh nhất).

iBook G3 cũng giải thoát máy tính khỏi hình dạng vuông vắn nhàm tẻ trước đay với thiết kế như một viên kẹo màu xanh.

 \"\"

Camera tích hợp

Trong khi Apple làm thế giới sửng sốt với thiết kế xinh xắn và mạng không dây thì đến Sony lại làm họ kinh ngạc với chiếc laptop đầu tiên có camera tích hợp. Chiếc VAIO C1 PictureBook giá $2299 nặng chưa đến 1.5kg, khá nhỏ gọn và có sẵn camera để chụp hình động và tối đa 60 giây video liên tục. 

PictureBook cũng gợi cho chúng ta đến loại netbook sau này. Nó độ dày chỉ 1.45 inch, không có ổ đĩa mềm hay ổ CD-ROM, và bị phàn nàn rằng bàn phím quá gò bó. 

 \"\"

Laptop siêu mỏng

Bước sang thế kỷ 21, laptop ngày một trở nên nhanh hơn với ổ cứng lớn hơn và đồ họa tốt hơn. Quý 3 năm 2008, lần đầu tiên laptop vượt qua máy tính để bàn về doanh thu và các hãng tập trung vào việc cho ra mắt những chiếc laptop nhẹ và nhanh hơn bao giờ hết. Đại diện tiêu biểu cho xu hướng này là MacBook Air của Apple hồi đầu năm 2008.  

Đúng vậy, chiếc Sony VAIO X505 năm 2004 đã gây ấn tượng mạnh về sự mỏng nhẹ của nó, nhưng chính Air mới làm thay đổi giới hạn về độ thanh mảnh của một chiếc máy tính. Sử dụng chip Intel vừa thiết kế và pin không tháo rời – nhưng không có ổ đĩa quang – Air thực sự làm những người tham dự Macworld 2008 phải xôn xao. Thậm chí nhà báo Steven Levy của Newsweek đã khám phá ra độ mỏng tuyệt vời của Air khi chiếc máy này của anh biến mất. Ban đầu Levy nghĩ rằng có kẻ đã đánh cắp nó, nhưng sau đó ông phát hiện ra vợ mình đã vô tình ném thiết bị siêu mỏng này vào thùng giác cùng với một chồng báo. 

 \"\"

Netbook

Chiếc Asus Eee PC vẫn được xem như chiếc máy tính đầu tiên thổi bùng lên cơn sốt netbook hồi cuối năm 2007. Nhưng thực ra từ năm 2005 – trước khi Asus Eee PC ra đời -- Nicholas Negroponte đã đưa ra ý tưởng về chiếc laptop giá $100 tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ. Sau này giấc mơ của Negroponte đã trở thành hiện thực với chiếc OLPC XO có giá $200, với mục đích đem Internet tới những trẻ em nghèo tại các nước chậm phát triển. Người dùng phản ứng rất tích cực về ý tưởng này. Và đến khi OLPC khuyễn mại XO theo kiểu mua 1 tặng 1 vào cuối năm 2007, sự quan tâm của dư luận với chiếc máy này càng tăng vọt. Intel và Microsoft nhanh chóng đi theo con đường siêu rẻ, siêu nhỏ của XO và bỗng nhiên netbook trở thành bộ phận tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường máy tính. Chiếc Eee PC có thể đã vươn đến thị trường đầu tiên, nhưng XO mới là chiếc máy tính đầu tiên gây được sự chú ý đối với công chúng. 

 \"\"

Tablet

Chiếc tablet Web có thể sẽ trở thành bước tiến lớn tiếp theo trong lịch sử công nghệ di động. Hiện tại chúng vẫn chưa xuất hiện, nhưng ít nhất thì một sản phẩm mang tên CrunchPad đang sắp hình thành.   

Theo thông tin thu được thì thiết bị này là một tablet web cực kỳ đơn giản với Linux OS tùy biến, chipset Intel Atom chipset, hai cổng USB, một webcam và một micro. Có thể CrunchPad sẽ xuất hiện vào mùa hè này. Ngoài ra nhiều người cũng đồn đại rằng Apple cũng đang phát triển tablet của riêng họ mang tên Apple Tablet, dự định ra mắt vào tháng 10 tới.

Chiếc tablet Web lại khiến chúng ta nhớ đến Dynabook. Có thể một ngày nào đó chúng sẽ trở nên mạnh mẽ như laptop thường. Và mặc dù tương lai này vẫn chưa xảy ra nhưng có thể tầm nhìn của Alan Kay sẽ trở thành hiện thực với tablet web, tuy chúng không có bàn phím thực. 

\"\"

 

\"\"\"\"\"\"