HDTV: 10 xu hướng hàng đầu trong năm 2010 - phần 1

Hãy thử tưởng tượng khung cảnh một năm sau, vào cuối năm 2010, tưởng tượng bạn đang bước vào một cửa hàng đồ điện tử gia dụng. Liệu người bán hàng sẽ chào mời bạn loại HDTV nào với những tính năng nào?

TV LCD màn hình phẳng khi đó sẽ càng khẳng định vị trí thống lĩnh của mình, trong khi TV Plasma thì kém đi một chút. Theo các nhà phân tích thị trường tại iSuppli thì TV OLED vẫn sẽ giữ một thị phần nhỏ, tuy có tăng lên một chút.   

Nhưng một điểm chung là tất cả các nhà sản xuất TV đều sẽ tìm cách thu hút túi tiền của bạn bằng những tính năng mới. 

Về TV LCD, các tính năng mới xuất hiện sẽ nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trong năm 2010 như LED Back-Lit , tần số mạnh 240 Hz và kết nối Internet. Cũng trong năm tới nhiều loại TV LCD sẽ vượt qua ngưỡng phân giải 1080p HDTV để lên 2160p, tuy đi kèm với nó là một cái giá không dễ chịu cho lắm. 

TV Plasma và OLED đều tăng về kích thước, còn về TV máy chiếu thì laser là phần thay đổi nhiều nhất.   

Hiệp hội đĩa Blu-ray (BDA) đang định giới thiệu thêm cả TV 3D bên cạnh LCD, Plasma, và OLED.  

Nhưng mới đây một đạo luật vừa thông qua tại California có thể sẽ đe dọa sự tồn tại của TV Plasma vốn rất tốn điện.

Và dưới đây là 10 xu hướng HDTV hàng đầu trong năm 2010 theo thứ tự ngẫu nhiên. 

LCD với LED-BackLit 

\"\"TV LCD từ trước đến giờ vẫn được chiếu sáng phía sau bằng các tấm Panel huỳnh quang gọi là CCFL. Nhưng dùng LED chiếu sau ( Back-Lit ) sẽ đem đến 3 lợi thế mới. 

"Chúng tiết kiệm điện hơn,” Peddie , ( công ty nghiên cứu thị trường JPR ) nói. LED cũng có khoảng chiếu sáng rộng hơn, và lại không độc như tấm huỳnh quang. 

"Nhưng mặc dù lợi thế này có vẻ lớn nhưng LED-Backlit lại có giá khá cao,” Riddhi Patel, nhà phân tích tại iSuppli nói. Ngoài ra nó còn một số thách thức khác như lượng nhiệt, thời gian sử dụng và việc CCFL cũng đang không ngừng cải tiến. 

Tuy nhiên giá LED cũng bắt đầu hạ khi nhu cầu tăng cao và nhiều nhà sản xuất mới nhảy vào lĩnh vực này. 

Hồi tháng 7, Sharp giới thiệu AQUOS LED-Backlit 32, 40, 46 và 52 inch với mức giá từ $1100 đến $2800. Samsung còn ra mắt Tivi LED-Backlit 55-inch mang tên UN50B650, có thể mua trên mạng với mức giá $2500.

Tần số Mành 240Hz

\"\"Lứa HDTV đầu tiên có Tần số Mành 60 Hz, còn các loại sau này lên đến 120Hz. Năm ngoái Sony là hãng đầu tiên tăng lên 240Hz với màn hình 52-inch, tiếp theo là 6 model Bravia XBR9 tại CES 2009. Sau đó các nhà sản xuất như LG và Samsung cũng theo bước. 

Nhưng Tần số Mành 240Hz cũng gây nên tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng cách biệt giữa 120Hz và 240Hz là không đáng kể, trừ khi bạn đang xem phim tốc độ cao, như video game hoặc chương trình thể thao – thậm chí ngay cả khi đó bạn cũng khó mà nhận ra sự khác biệt.  

Ngoài ra TV 240Hz còn có giá cao hơn 120Hz, mặc dù giá cả hai vẫn đang giảm. Theo Tina Tseng, nhà phân tích TV tại iSuppli, hồi tháng 2 năm 2009, giá bán trung bình của một TV LCD HD 240Hz 40-inch là $2800, trong khi một chiếc TV tương đương 120H 40 inch chỉ có giá $1651.

Trước tháng 12 năm nay, mức giá này đã tụt xuống chỉ còn $1,596 cho TV LCD HD 240Hz 40-inch và $1195 cho TV 120Hz 40-inch.

Trên đây (bên phải) là HDTV LED LH90 Series Trumotion 240Hz của LG, với các kích thước 42-, 47- và 55-inch.

Kết nối Internet

\"\"Két nối Internet hiện đã xuất hiện trên TV Internet, cho phép bạn xem video từ Netflix hoặc truy cập tin tức và thời tiết ngay trên chiếc TV nhà mình. 

Sony đã thử nghiệm dịch vụ Bravia Internet Video trên 3 model cao cấp nằm trong serie Bravia XBR9 giới thiệu hồi tháng 1 này. Dịch vụ này có các Bravia Widgets mới dành cho nội dung Internet bổ sung – gồm tin tài chính, Yahoo Video, và Flickr – qua  Yahoo Widgets Engine.

Trên thực tế, gần như nhà sản xuất nào cũng chuyển sang hướng đi này vào năm 2009. Widget dành cho kết nối Internet của Yahoo bắt đầu xuất hiện trên các loại TV của Samsung, Vizio, và LG hồi đầu năm nay. Sharp và Panasonic cũng cung cấp công nghệ Widget riêng.

Nhưng người dùng vẫn còn rất nhiều cải tiến khác để đón nhận trong cả nội dung lẫn số lượng các loại TV kết nối Internet. Với Netflix, Blockbuster, và Amazon đều đã nhảy vào cuộc chơi, sẽ còn rất nhiều nội dung khác mà bạn có thể xem trực tiếp trên TV của mình. 

"iSuppli cho rằng sẽ có thêm rất nhiều widget khác để nghe nhạc, chơi game và các nội dung khác trong năm 2010, bởi ngày càng xuất hiện nhiều loại TV có khả năng kết nối Internet, và ngày càng nhiều người dùng nhận thấy lợi ích của việc sở hữu một chiếc TV nối mạng Internet,” các nhà phân tích dự đoán.   

Tính đến tháng 12 này, Sony đã cung cấp 12 mẫu TV có kết nối Internet trong các dòng XBR9, XBR10, WR5100, và ZR5100.

Nhưng Peddie cũng nhấn mạnh rằng, bất chấp khả năng kết nối Internet, người dùng vẫn không thể lướt web hoặc shopping từ TV của mình. 

Độ phân giải 2160p 

\"\"Độ phân giải cực cao 2160p đã tiến một bước dài so với mức 1080p và 720p trước đó, đem lại độ phân giải màn hình 3840 X 2160 pixel. Ngoài việc đem lại hình ảnh sống động, màn hình 2160p còn có thể được chia làm 4 màn hình riêng, mỗi cái có độ phân giải 1080p.

Nhưng đến giờ, chỉ những ai có tài sản tầm cỡ như Bill Gates hay Oprah mới đủ sức mua được TV 2160p. Chiếc HDT 2160p D56QX1của Westinghouse Digital có mức giá ban đầu là $50.000. 

Tại Nhật, các hãng cũng đã phát hành hai loại HDTV 2160p mới trong vài tháng gần đây: Trimaster của Sony với mức giá $76,583, và Cell Regza LCD của Toshiba – sẽ được trưng bày tại CES 2010 vào tháng 1 tới tại Las Vegas.

Tuy nhiên Patel cho rằng trong khoảng từ 2009 đến 2011, các hãng TV sẽ phát hành những chiếc HDTV 2160p ra thị trường đại chúng. Với mức giá $76,000, chúng vẫn nằm ngoài tầm với của đa số hộ gia đình, và chủ yếu nhằm vào những người đã sở hữu HDTV 1280p và đang muốn nâng cấp.   

Peddie dự đoán giá 2160p sẽ giảm, nhưng khi đó vấn đề nội dung vẫn cần được giải quyết. “Bạn muốn xem gì trên đó? Pixel lớn trên TV truyền thống sao?” 

Màn hình OLED mỏng hơn nữa

\"\"Các chuyên gia trong ngành đều đồng ý rằng TV OLED có màn hình sáng nhưng vẫn tiết kiệm điện sẽ trở nên phổ biến hơn. Nhưng nhiều người còn bất đồng xung quanh mức độ phổ biến này. 

Thay vì màn hình tinh thể lỏng dùng trong LCD, OLED được làm từ các tấm polyme mỏng và tạo ra ánh sáng. Mặc dù màn hình OLED vẫn rất sống động nhưng lại tiêu tốn ít điện hơn LCD bởi chúng không dùng đèn chiếu sau – dù là LED hay loại đèn nào khác. 

Hồi năm 2007 Sony làm kinh ngạc thị trường TV với việc ra mắt màn hình OLED 11inch uốn cong được và chỉ dày có 1/5 mm. 

Giờ đây, LG lại công bố một chiếc TV OLED 15 inch, tuy mới ở thị trường Hàn Quốc. 

"TV OLED rồi sẽ thay thế TV LCD,” Peddie dự đoán. “Chúng tiết kiệm điện hơn, mỏng hơn, và có thể cuộn lại.”   

Doanh thu toàn cầu từ các tấm OLED để dùng trong TV sẽ tăng từ $10 triệu năm 2009 lên $1.8 tỉ năm 2015, theo Vinita Jakhanwal, nhà phân tích tại iSuppli cho biết. 

Nhưng bất chấp các dự đoán này, số lượng TV OLED bán được hiện vẫn quá nhỏ so với TV LCD. Các thách thức trong việc sản xuất và sản lượng nhỏ sẽ hạn chế kích thước và làm tăng giá TV OLED, khiến chúng chưa thể cất cánh trước năm 2015. 

Mức giá trung bình cho một TV OLED 11-inch là vào khoảng $2500, trong khi với TV LCD từ 40 đến 42 inch chỉ là $704.

Hiện tại, vật liệu dùng cho TV OLED cũng rất nhanh mòn, và loại TV này còn bị ảnh hưởng bởi chứng “dính hình,” tức sau khi một hình ảnh tĩnh được hiển thị quá lâu, nó vẫn để lại bóng mờ trên màn hình sau khi chuyển sang hình ảnh khác.

 

 \"\"