Facebook qua vài con số

Một khi lên sàn chứng khoán, trị giá của Facebook được ước tính từ 75 đến 100 tỷ đô la. Phải chăng giới đầu tư kỳ vọng quá nhiều và thổi phồng khả năng kiếm lời của Facebook ?

Đâu là lý do để mạng xã hội của Zuckerberg dám qua mặt cả tập đoàn công nghiệp có bề dày lịch sử như hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ ?

 Nếu là một quốc gia, Facebook là nước đông dân hàng thứ ba trên địa cầu, sau Trung Quốc và Ấn Độ, với 845 triệu dân. Mỗi ngày mạng xã hội do Mark Zuckerberg sáng lập nhận tới 2,7 tỷ lời bình luận từ các thành viên. Lại cũng Facebook thường nhật cho đăng 250 triệu tấm ảnh, từ khắp năm châu, và xây đến 100 tỷ « cầu nối » giữa những người tham gia mạng xã hội.

Về doanh thu, chỉ riêng trong năm 2011 Facebook thu về hơn 3,7 tỷ đô la và lãi 1 tỷ . Doanh thu của tập đoàn có trụ sở tại Palo Alto- phía bắc vùng thung lũng Silicon Valley, này đã nhảy vọt từ 777 triệu năm 2009 lên thành hơn 3,7 tỷ năm ngoái.

Ngày 31/01/2012, mạng xã hội có đông người sử dụng nhất hành tinh, Facebook đã trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch của Hoa Kỳ SEC hồ sơ xin tham gia thị trường chứng khoán. Nhờ thế mà kể từ khi được thành lập vào năm 2004 đây là lần đầu tiên tập đoàn do Mark Zuckerberg sáng lập công bố rõ ràng về sổ sách và các hoạt động của mình.

Facebook có doanh thu chỉ bằng 1/10 so với công cụ tìm kiếm trên mạng là Google và khoản tiền lãi của Facebook thì cũng bằng 1/10 so với Google. Điều đó không cấm cản mạng xã hội được ưa chuộng này đang làm dấy lên nhiều kỳ vọng và giới tài chính dự báo một khi tham gia sàn chứng khoán, trị giá của Facebook sẽ dao động từ 75 đến 100 tỷ đô la.

« Trò chơi ú tim của các nhà đầu tư kéo dài trong nhiều tháng qua nay đã kết thúc. Giờ đây mọi người đều nắm rõ thông tin về Facebook. Chẳng hạn như là về doanh thu của tập đoàn trong năm 2011 tăng 88 % so với 2010 và tập đoàn tin học của vùng Sillicon Valley này thu vào 1 tỷ đô la tiền lãi.

Facebook thu hút được tới trên 800 triệu người sử dụng. Ở Mỹ, trung bình mỗi người tham gia mạng xã hội này dành ra tới 7 giờ đồng hồ để chia sẻ thông tin trên mạng. Mọi người tiết lộ những sở thích, những nhu cầu tiêu thụ, thú giải trí của mình trên Facebook. Điều ấy giải thích vì sao các hãng quảng cáo đang rất quan tâm đến Facebook.

Cách nay 8 năm, Mark Zuckerberg từ trong một căn phòng tại khu ký túc xá đại học Harvard đã thành lập công ty. Nhưng đây là lần đầu tiên Facebook công bố sổ sách để ‘chào hàng’ với các nhà đầu tư. Facebook muốn huy động ít nhất 5 tỷ đô la vốn từ các cổ đông. Trong vài tuần lễ nữa Facebook chính thức tham thị trường tài chính Mỹ. Một khi lên sàn chứng khoán, trị giá tập đoàn ước tính sẽ là từ 75 đến 100 tỷ đô la. Như vậy, trọng lượng của Facebook trên thị trường chứng khoán sẽ còn lớn hơn cả so với hai ông khổng lồ khác là Disney hay Boeing ».

Sức mê hoặc của Facebook

Cách nay 8 năm Mark Zuckerberg đã cũng với 4 người bạn còn là sinh viên thành lập mạng xã hội mang tên « The Facebook » mà mục tiêu là để bắc nhịp cầu cho các sinh viên Harvard liên kết với nhau. Ngay từ những tuần lễ đầu sau khi được hình thành đã có tới hơn một nửa sinh viên Harvard tham gia mạng « The Facebook » của Zuckerberg. Một tháng sau đó thì mạng xã hội dành cho giới sinh viên này đã lôi cuốn luôn được cả các bạn ở những trường đại học nổi tiếng khác như Yale, Stanford hay Columbia.

Thành công nhanh chóng đó khiến Mark mạnh dạn thuê văn phòng ngay trong vùng thung lũng Silicon- California, chiếc nôi của ngành công nghệ high tech Hoa Kỳ. « The Facebook » mua tên miền Facebook.com vào năm 2005 với cái giá 200.000 đô la và từ đó trở thành mạng xã hội Facebook.

Không cần phải nói nhiều về thành công và sức lôi cuối của mạng xã hội này. Chỉ biết là theo công trình nghiên cứu gần đây nhất do hãng Calysto chuyên về Internet thực hiện thì tại Pháp trong năm 2011, có tới 92 % các bạn trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 17 tham gia mạng xã hội do Mark Zuckerberg sáng lập. Đối với lớp tuổi từ 11 đến 13 thì tỷ lệ đó là 64 % và có tới 80 % thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi đã mở trương mục trên Facebook.

Hơn thế nữa, có đến 36 % học sinh cấp hai ở Pháp cho biết là mỗi ngày dành ra từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ để bắc nhịp cầu liên kết với những người bạn bốn phương trên Facebook. Cũng vì Facebook mà tin nhắn SMS bị coi là những phương tiện thông tin hay liên lạc « lỗi thời », và số thanh thiếu niên trao đổi với nhau qua điện thoại di động cũng ngày càng ít đi.

Trong mắt 35.000 học sinh tại Pháp tham dự công cuộc điều tra nói trên thì Mark Zuckerberg là « nhà phát minh vĩ đại nhất của mọi thời đại ».

Mark Zuckerberg và những nhà tỷ phú tương lai

Chưa đầy 28 tuổi, sáng lập viên Facebook, Mark Zuckerberg đã làm chủ một tài sản trị giá 28 tỷ đô la nhờ kiểm soát 28,4 % tổng số vốn của mạng xã hội lớn nhất thế giới do chính mình tạo dựng.

Một khi Facebook tham gia sàn chứng khoán Wall Street, Zuckerberg sẽ không phải là người duy nhất trong số các « ông chủ » của Facebook thấy tài sản của mình bỗng dưng lên đến bạc tỷ. Vào năm 2004 Peter Thiel đồng sáng lập viên của hệ thống thanh toán tài chính trên mạng Paypal, đã hùn 500 000 đô la vốn với Zuckerberg và như vậy kiểm soát 2,5 % vốn của mạng xã hội Facebook. Tám năm sau, Thiel sắp sửa thu vào từ 1,8 đến 2,5 tỷ đô la.

Bên cạnh Peter Thiel thì còn có hàng ngàn nhân viên Facebook nay mai trở thành triệu phú một khi mạng xã hội của Zuckerberg tìm thêm được những « người bạn mới trên Wall Street ». Tiêu biểu nhất là trường hợp của giám đốc điều hành Sheryl Sandberg, 42 tuổi. Năm 2008, Sheryl chia tay với Google về đầu quân cho Facebook. Năm ngoái lương của bà là 31 triệu đô la cộng thêm với các cổ phiếu dành cho nhân viên còn được gọi là stock option. Tài sản của Sandberg trong vài tuần lễ nữa sẽ nhảy từ 88 triệu đô la lên thành 2 tỷ.

Không giàu bằng Sheryl Sandberg nhưng họa sĩ David Choe tác giả của hai bức họa trang trí cho văn phòng của Facebook ở thung lũng Silicon Valley cũng sẽ ngồi trên một núi đô la vì từ khi hợp tác với Mark Zuckerberg, Choe không nhận thù lao bằng tiền mặt mà chỉ giữ một phần vốn của mạng Facebook qua các cổ phiếu dành cho nhân viên. Nhờ thế mà một khi mạng xã hội lớn nhất thế giới lên sàn chứng khoán, David Choe nghiễm nhiên trở thành một nhà triệu phú : chỉ nhờ có hai bức họa mà anh thu về tới 200 triệu đô la.

Tiềm năng thực sự của Facebook ?

Câu hỏi đặt ra là liệu những thành tích của Facebook mà mọi người chờ đợi là có quá đáng hay không ? Đâu là lý do để mạng xã hội của Zuckerberg dám qua mặt cả tập đoàn công nghiệp có bề dày lịch sử như hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ ?

Tất cả các nhà phân tích đều đồng ý trên một điểm : nhờ nắm bắt rất rõ thị hiếu của 845 triệu người tham gia, Facebook nghiễm nhiên trở thành không gian quảng cáo lý tưởng mà bất kỳ một công ty nào cũng muốn chen chân được vào.

85 % trên tổng số 3,7 tỷ đô la doanh thu trong năm 2011 của Facebook có được là nhờ tiền quảng cáo. Dù vậy hiện thời Facebook mới chỉ chinh phục được 28 % thị trường quảng cáo, còn thua xa ông khổng lồ trên mạng khác là Google.

Theo quan điểm của chuyên gia Jean Charles Ferreri làm việc tại cơ quan tư vấn Roland Berger -Paris, các thành viên của Facebook có thói quen tâm sự với những người bạn –thật hay ảo- về những sinh hoạt thường ngày về sở thích hay nhu cầu của họ và đó chính là một kho báu thông tin đối với các hãng quảng cáo. Chính trên mặt trận này từ 2009 tới nay Facebook đang đương đầu với Google.

Ngoài ra những thành tích vượt bực của Facebook trong ba, bốn năm trở lại đây cũng là những yếu tố làm mê hoặc các nhà đầu tư : vào thời buổi khó khăn, mà doanh thu của tập đoàn do Mark Zuckerberg gầy dựng tăng 88 % trong một năm và khối lượng các thành viên mới gia nhập mạng xã hội không ngừng gia tăng.

Chỉ bấy nhiêu cũng đủ thấy Facebook là con gà đẻ trứng vàng.

Về chiến lược phát triển thì như bản thân Mark Zuckerberg đã tuyên bố trong lá thư dài 8 trang gửi tới các nhà tài trợ tương lai cho Facebook là tập đoàn tin học này « không mở ra một dịch vụ để kiếm tiền mà mục tiêu của Facebook là dùng đồng tiền để đem lại những dịch vụ » đáp ứng nhu cầu của một cộng đồng cư dân trên mạng.

Nói cách khác Fcebook sẽ không ngừng đầu tư thêm rất nhiều để luôn tiên phong trong số các mạng xã hội, để tìm tòi và mở ra những chân trời mới cho người sử dụng.

Tuy nhiên khi nhìn kỹ vào các con số vừa được Facebook công bố tuần qua, giới trong ngành tài chính nêu lên 4 nghi vấn :

Thứ nhất là tại sao với 845 triệu người sử dụng mà Facebook chỉ thu về có hơn 3,7 tỷ đô la doanh thu và 1 tỷ tiền lãi trong năm 2011 ? Như vậy nếu tính theo đầu người thì mỗi người sử dụng mạng xã hội chỉ đem lại cho Facebook có 1,7 đô la, chủ yếu là nhờ quảng cáo. Một con số bị coi là quá thấp.

Thứ hai là cho dù doanh thu của Facebook đã tăng 88 % trong năm ngoái so với 2010, nhưng đà tăng trưởng này đã thấp hơn so với thành tích 154 % của năm 2010 so với 2009. Đó là một dấu hiệu cho thấy dự phóng công ty do Mark Zuckerberg rồi đây sẽ tăng giá đến 100 tỷ đô la trên thị trường chứng khoán có lẽ là điều quá đáng.

Bởi vì để xứng đáng là một tập đoàn nặng tới 100 tỷ đô la thì ít nhất trong 10 năm liên tiếp Zuckerberg và đồng đội phải bảo đảm được một tỷ lệ tăng trưởng cho công ty là 29 % mỗi năm. Trước mắt đây là mục tiêu dễ hoàn thành nhưng để tồn tại được lâu như thế, Facebook sẽ phải tiếp tục dẫn đầu cuộc chạy đua nhờ vào các phát minh mới lạ.

Một lo ngại thứ ba là điều gì sẽ xảy tới với Facebook khi cả một thế hệ thanh thiếu niên trên thế giới bắt đầu « chán » công cụ trao đổi và kết bạn này ? Tới nay giới trẻ còn rất mê và rất trung thành với Facebook một phần vì họ chưa tìm ra một phương tiện nào thích hợp hơn. Nhưng không có gì bảo đảm là Mark Zuckerberg sẽ lâu dài « một mình một chợ ».

Cuối cùng, thành công của mạng xã hội này không thể có được nếu như Zuckerberg không chinh phục được giới lãnh đạo Bắc Kinh để chen chân vào thị trường có tới một nửa tỷ người sử dụng internet. Facebook cũng như Twitter đã bị « chặn » từ sau loạt bạo động ở Tân Cương hồi tháng 7/2009.

Trước mắt cho dù ông chủ của Facebook đang học tiếng Hoa từ năm 2010 nhưng Mark Zuckerberg chưa tính tới chuyện mở địa bàn hoạt động trên quê hương Mao Trạch Đông.