Công nghệ đám mây là một cái bẫy

Theo Richard Stallman, người cổ vũ nhiệt tình cho phần mềm nguồn mở thì các ứng dụng web như Gmail của Google sẽ buộc người dùng phải mua những hệ thống độc quyền khép kín với cái giá càng ngày càng tăng.   

Nhận xét về công nghệ tính toán đám mây ( Cloud ) , Richard Stallman nói: "Thật là ngớ ngẩn. Còn tệ hơn cả ngớ ngẩn: nó là một chiến dịch quảng cáo lố lăng.” Ảnh: www.stallman.org

Theo thủ lĩnh tối cao của cộng đồng nguồn mở này thì việc sử dụng những chương trình web như Gmail của Google còn “tệ hơn cả ngớ ngẩn.” 

Trong vài năm trở lại đây, công nghệ đám mây – nơi mà tiềm năng CNTT được phân phối qua mạng Internet theo đúng nhu cầu của bạn thay vì được lấy trực tiếp từ một chiếc máy tính để bàn – đã giành được sự quan tâm đặc biệt. Các công ty công nghệ và mạng lớn như Google, Microsoft và Amazon đều  đang ráo riết lập kế hoạch cung cấp thông tin và phần mềm qua net. 

Nhưng theo Richard Stallman, người sáng lập Tổ chức Phần mềm miễn phí kiêm tác giả của hệ điều hành mang tên GNU, thì công nghệ đám mây thực ra chỉ là một cái bẫy nhằm dụ người dùng mua về những hệ thống độc quyền khép kín với cái giá càng ngày càng tăng.

"Thật là ngớ ngẩn. Còn tệ hơn cả ngớ ngẩn: nó là một chiến dịch quảng cáo lố lăng,” ông nói với tờ The Guardian.

"Người ta nói rằng công nghệ này là điều không thể tránh khỏi – và cứ mỗi khi bạn nghe thấy có ai đó nói điều này thì rất có thể người đó chính là một nhóm công ty đang tiến hành quảng cáo rầm rộ để biến điều này thành sự thật.” 

Công dân New York 55 tuổi này cho rằng người dùng máy tính nên quan tâm đến việc nắm chắc các thông tin mật trong tay mình thay vì trao nó cho một hãng thứ ba. 

Quan điểm của ông cũng giống với những lời nhận xét của Larry Ellison, sáng lập viên Oracle và là người chỉ trích mạnh mẽ rằng công nghệ đám mây chẳng qua chỉ là “mốt nhất thời” và là một thứ “hoàn toàn vô nghĩa.”  

"Điều thú vị về công nghệ đám mây là người ta đã gán cho nó cái chức năng làm được tất cả những gì mà chúng ta đã làm từ lâu,” ông nói. “Xét về khả năng chạy theo mốt thì CNTT chỉ thua mỗi ngành thời trang nữ. Có thể tôi chỉ là một thằng ngốc, nhưng tôi chẳng hiểu người ta đang nói về cái gì. Công nghệ đám mây là gì cơ chứ? Một thứ hoàn toàn vô nghĩa. Thật điên rồ. Không biết khi nào thì cái trào lưu lố lăng này mới dừng lại?”  

Nhưng chính việc ngày càng có nhiều người chuyển sang lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ web thay vì trên máy tính của mình đã trở thành động lực quan trọng cho sự nổi lên của các ứng dụng Web 2.0. Mỗi ngày có hàng triệu người upload thông tin cá nhân của mình như email, ảnh và cả tài liệu công việc lên những website do các công ty như Google sở hữu.   

Thậm chí hãng máy tính Dell còn cố đăng ký tên thương mại cho “công nghệ đám mây,” nhưng đơn đăng ký của họ đã bị từ chối. 

Và ngày càng có nhiều người lo ngại rằng việc ứng dụng rộng rãi công nghệ đám mây có thể dẫn đến nhiều vấn đề, đặc biệt là về quyền riêng tư và quyền sở hữu, khi mà người dùng không nắm trong tay chính những dữ liệu của mình. 

Stallman, một nhà ủng hộ mạnh mẽ cho quyền riêng tư, cũng khuyên người dùng nên ở nhà và dính chặt lấy chiếc máy tính của mình. 

"Một lý do bạn không nên sử dụng ứng dụng web là: khi đó bạn sẽ mất quyền kiểm soát công việc của mình,” ông nói. “Điều này cũng tồi tệ như việc sử dụng một chương trình độc quyền vậy. Hãy thực hiện công việc của riêng bạn trên một chương trình nguồn mở tôn trọng sự tự do. Còn nếu bạn phải sử dụng một chương trình độc quyền hay một máy chủ web của người khác thì khi đó bạn chẳng còn gì để phòng vệ cả. Tính mạng bạn hoàn toàn phụ thuộc vào những người phát triển loại phần mềm đó.”