Chống theo dõi kiểm duyệt : Người dùng Hàn Quốc « lưu vong tin học »

Kể từ khi chính phủ Hàn Quốc tuyên chiến chống lại những lời đồn đại qua tin nhắn trên điện thoại thông minh , người sử dụng Internet tại Hàn Quốc đã ồ ạt áp dụng chính sách « lưu vong tin học » : Cụ thể là họ không sử dụng ứng dụng tin nhắn của Hàn Quốc nữa và quay sang dùng ứng dụng tương tự, đặt tại Đức, có những chức năng bảo vệ đời sống riêng tư tốt hơn.Làn sóng « lưu vong tin học » này bắt đầu từ giữa tháng Chín, khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ra lệnh cho các chưởng lý tìm mọi cách chấm dứt những tin đồn, những lời thóa mạ nhắm vào bà trên các mạng xã hội. Theo nguyên thủ Hàn Quốc, những tin đồn này « đi quá xa và gây chia rẽ trong xã hội ».Các biện pháp trừng phạt nhắm vào những ai đăng tải hoặc lan truyền các thông tin sai lệch hoặc tin đồn – kể cả qua hệ thống tin nhắn. Một chính trị gia thuộc phe đối lập Hàn Quốc khẳng định là các nhà điều tra đã khai thác khoảng 3000 địa chỉ và tiếp cận được các cuộc trao đổi của ông trên điện thoại thông minh.Rất nhiều người Hàn Quốc dùng ứng dụng Kakao Talk để trao đổi với nhau. Khoảng 90% số điện thoại thông minh tại Hàn Quốc, tương đương 35 triệu người, dùng ứng dụng này.Lo ngại thông tin cá nhân, đời tư bị soi mói, cư dân mạng Hàn Quốc quyết định thực hiện « lưu vong tin học ». Chỉ trong vòng có một tuần, Kakao Talk đã mất 400 000 người sử dụng.Từ bỏ ứng dụng Kakao Talk, người dùng Hàn Quốc đổ xô sang dùng ứng dụng của Đức Telegram và cũng chỉ trong vòng một tuần, đã có tới 1,5 triệu người Hàn Quốc tải nạp Telegram. Điều đáng nói là cho tới lúc đó, chưa hề có phiên bản tiếng Hàn của Telegram. Trước số lượng người tải nạp để dùng quá lớn, một phiên bản được dịch sang tiếng Hàn đã được đăng khẩn cấp trên internet.Theo giới chuyên gia, Telegram có những chức năng rất tốt bảo vệ các cuộc trao đổi trên điện thoại thông minh. Đây là một ứng dụng miễn phí và có một phần mã nguồn mở, hoạt động trên cả hệ điều hành Android và iOS. Telegram là một công ty độc lập. Các cuộc trao đổi qua điện thoại thông minh được mã hóa và ngay cả công ty Telegram cũng không có chìa khóa mã hóa này. Có nghĩa là nếu tư pháp có ra lệnh, thì công ty Telegram cũng không thể giao nộp nội dung các cuộc trao đổi cho các thẩm phán. Khi dùng Telegram, các trao đổi qua « chat » sẽ tự động xóa sau một thời gian.Nhiều người Hàn Quốc, như các nhà báo, giới hoạt động công đoàn, các tổ chức phi chính phủ hoặc thậm chí giới tài chính, nghĩ rằng, với việc dùng Telegram, họ không bị các cơ quan chức năng của chính phủ Hàn Quốc nghe trộm.Trước tình trạng này, Kakao ra thông báo khẩn cấp một loạt các biện pháp, như chỉ lưu lại các trao đổi trên máy chủ ba ngày, thay vì bẩy như trước đây, bổ sung tiện ích cho phép xóa hội thoại sau khi đã đọc.Thế nhưng, vấn đề chính ở đây là các máy chủ của Kakao lại đặt tại Hàn Quốc và công ty này không thể làm gì hơn nếu như Bộ Tư pháp nước này ra lệnh rà soát hoặc cho đặt máy nghe, đọc các hội thoại. Thật là khó để trấn an người sử dụng và ngăn chặn làn sóng « lưu vong ». Hiện tượng này cho thấy một thực tế : Việc bảo vệ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư là mối quan tâm lớn của người dùng internet.Điều trớ trêu là chính phủ Hàn Quốc đã tung ra một kế hoạch phát triển « nền kinh tế sáng tạo » đầy tham vọng, dựa trên các tiến bộ công nghệ thông tin. Thế nhưng, chiến dịch chống tin đồn lại gây tổn thất cho chính các công ty của nước này. Nói một cách ví von, Seoul vừa tự bắn vào chân mình.