Bạn đang bị theo dõi thế nào trên mạng?

Một hacker 27 tuổi người Đan Mạch vô tình thấy những con số ngày giờ hiển thị bên dưới tên của người dùng trên Facebook.

Anh viết một đoạn mã nhỏ, và nó hóa thành một biểu đồ nơi dường như cả giấc ngủ của bạn cũng đang bị theo dõi.

’Chân dung của chúng ta’

Từ ứng dụng thống kê các mốc thời gian “lần gần nhất online” của Soren, nhiều tờ báo lớn đặt câu hỏi về sự riêng tư của người sử dụng, trên những nền tảng mạng xã hội mà khiến chúng ta say sưa nhập dữ liệu cho chúng từng giờ từng phút.

Ứng dụng theo dõi giấc ngủ

  • Soren Louv-Jansen là một lập trình viên sống ở Hoa Kỳ.
  • Anh mất sáu tháng để hoàn thành công cụ theo dõi giấc ngủ và tung ra vào tháng 12/2015.
  • Trong một thông cáo với hãng tin ABC, Facebook nói điều khoản của mạng xã hội cấm việc thu thập nội dung và thông tin của người dùng \"bằng các phương thức tự động mà không có sự cho phép của chúng tôi.\" Và cho rằng việc xây dựng ứng dụng theo dõi giấc ngủ vi phạm các điều khoản.
  • Soren Louv-Jansen cho rằng mình không làm gì bất hợp pháp, và đã đưa mã nguồn của dự án lên cho bất cứ ai muốn sử dụng.

Soren có thể vẽ ra biểu đồ về giấc ngủ và thời gian tương tác mạng xã hội của mọi người. Chuyện đó nhỏ xíu, cùng lắm cuộc sống riêng tư của chúng ta sẽ bị “vén màn” ở đâu đó mà không ngờ đến, chỉ vì Facebook đã đáp ứng cơn tham lam và nồng nhiệt của người dùng, muốn biết đối phương đang làm gì.

Những ứng dụng chat cho thấy người kia “Seen” (đã xem) tin nhắn thường hấp dẫn hơn. Người ta còn truy tìm cả ứng dụng để biết email mình gửi đã được xem chưa. Vội vàng, cuồng nhiệt, tò mò không dứt để được tương tác đã đẩy người dùng kích hoạt chính mình vào trạng thái bị theo dõi mà không hay biết.

Cơn ác mộng thường xuất hiện trong phim ảnh ngày xưa theo kiểu “Họ đang nhìn anh” hay “Bạn đang bị theo dõi”, hoặc “Vậy ai sẽ canh chừng những người theo dõi?” – đang biến thành sự thật theo cách dễ dàng và gọn nhẹ hơn rất nhiều so với phim viễn tưởng.

Việc theo dõi bắt đầu bởi việc bạn không nhận ra mình đang cấp quyền gì cho người tặng bạn một dịch vụ miễn phí trên mạng. Bạn không biết mình bị can thiệp tới mức nào khi đồng ý cho một ứng dụng nào đó truy cập vào điện thoại của bạn.

Soren nói  “Nếu bạn trên Facebook, rất khó để ngăn họ theo dõi bạn. Rất nhiều website nhúng truy cập Facebook, bình luận Facebook và cả nút like Facebook. Những ứng dụng này cũng giúp Facebook theo dõi bạn, ngay cả khi bạn không ở trên Facebook.”

\"\"Chuyện nhỏ nhặt?

Cũng có nhiều người dùng cho rằng chuyện bị theo dõi vài hành vi nhỏ nhặt có sao đâu, và không cảm thấy bị xâm phạm riêng tư gì cả. Dù sao, họ cũng đang sử dụng một thứ miễn phí và “vui là chính”. Sự nghiêm túc trước việc thân phận mình bị tiết lộ vẫn còn quá nhỏ nhặt để bất cứ ai sợ hãi.

Nhưng cũng như cái mốc thời gian “vừa online” nhỏ xíu mà Soren vừa thu thập, nó phóng lớn thành cả một biểu đồ theo dõi hành vi riêng tư nhất của ta: Đi ngủ. Cũng cái số điện thoại mà Facebook yêu cầu bạn nhập để bảo đảm an toàn cho bạn, vào một ngày nào đó, một kẻ lạ tìm ra bạn chỉ bằng cách gõ vu vơ số điện thoại đó lên ô tìm kiếm của mạng xã hội khổng lồ này.

Sẽ thật là thừa nếu ai bảo rằng chúng ta hãy nghỉ chơi mạng xã hội đi để an toàn. Một hacker từng nói với tôi: “Làm gì có bí mật nào trên internet!” – Nghe nửa đùa, nửa thật vậy. Nhưng rồi ta có giật mình không, mỗi khi cài một ứng dụng nào đó vào điện thoại, máy tính, và cố gắng ngồi đọc hàng loạt các yêu cầu phức tạp cho phép nó đụng vào máy ảnh, địa điểm, thư mục ảnh, danh bạ. Có một bàn tay muốn sờ vào thế giới riêng tư của bạn mà vì quá mải mê, bạn không coi trọng sự an toàn đó chỉ bằng lời tự bào chữa: “Điện thoại tôi có gì quan trọng đâu?”

Soren Louv-Jansen cũng vậy, anh chàng có làm gì quan trọng đâu, anh chỉ tạo ra một bộ đếm nhỏ đi nhặt nhạnh dấu chân của bạn, và rồi nhận ra anh đã có thể theo dõi giấc ngủ của bất cứ ai.

 “Những người ít để ý ‎ tới công nghệ không thực sự chú ý ‎ họ đã bị theo dõi nhiều đến mức nào. Sự theo dõi là vô hình. Và họ tự hỏi vì sao mà những công ty này biết hết về tôi vậy. Ví dụ về việc theo dõi giấc ngủ này rất rõ ràng và hữu hình, kể cả những người không rành về công nghệ cũng có thể hiểu.” – Soren nói khi giải thích nguyên nhân anh viết đoạn code đó.

Hãy tưởng tượng chỉ với vài dòng mã đơn giản, một người lạ thực sự có thể biết bạn sắp ngủ lúc nào, bạn đi ngủ lúc nào, bạn dậy và làm gì.

Nghe như một cái camera theo dõi cả cuộc đời chúng ta vậy!

Soren Louv-Jansen cho biết: “Facebook có một tính năng tắt chế độ chat, nhưng thực ra nó không hẳn như vậy. Dù bạn có tắt đi, mọi người vẫn có thể thấy bạn online bao lâu trước đó. Tôi tự hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu có ai đó thu nhặt những mốc thời gian lần gần nhất bạn online, và họ sẽ tìm thấy điều gì với dữ liệu đó”.

Soren viết ra một đoạn mã đơn giản, và nói rất rõ mục đích là “cảnh báo cho mọi người về việc cung cấp quá nhiều thông tin cho một công ty nào đó, có thể dẫn đến việc có thể dựng lại chân dung chính xác chúng ta là ai”.