ARM – thách thức mới cho Intel

Hồi tháng 5 vừa rồi, EC đã phạt Intel $1.54 tỉ vì tội chơi xấu nhằm đẩy AMD ra khỏi thị trường bộ xử lý. $1.54 tỉ, theo diễn giải của nhiều người thì đó là một khoản tiền phạt quá lớn, ngay cả đối với một công ty giàu có như Intel. Và bất chấp mọi lời kêu ca của Intel về sự không công bằng của tòa án, công ty này cũng chẳng tỏ ra hoảng sợ.

Bởi Intel biết quá rõ rằng ngay cả khoản tiền phạt lớn như vậy cũng không thể gây nên khác biệt trên thị trường, vốn đã được định hình quá rõ. 

Lịch sử vốn đầy những án phạt và những từ ngữ chỉ trích nặng nề đối với những hãng công nghệ khổng lồ, nhưng chẳng thay đổi được mấy tình hình. 

Ví dụ như Microsoft. Hãng phần mềm khổng lồ này đã là đối tượng của không biết bao nhiêu vụ kiện độc quyền, nhưng vẫn chiếm giữ cả thị trường hệ điều hành.

\"/\"Sự thật đơn giản là khoản tiền phạt $1.54 tỉ của Intel cũng chẳng thay đổi được con số lỗ $330 của AMD trong quý 3 năm 2009. Nó cũng chẳng tăng gấp 3 quỹ R&D của công ty này, và chắc chắn không làm gián đoạn cuộc chinh phục của Intel trên thị trường bộ xử lý.

Sáng tạo và đầu tư, chứ không phải luật pháp, mới là vũ khí tối thượng để hạ gục gã khổng lồ này, mà AMD thì vẫn đang vất vả tìm lại vị trí của mình trước kia. 

Nhưng trong khi AMD đang vật lộn và Intel đang biện hộ, thì một mối đe dọa mới  lại xuất hiện, ngạc nhiên thay, lần này là từ nước Anh. 

Mới đây, hãng ARM đặt tại Cambridge thông báo họ đã sẵn sàng soán ngôi độc quyền của Atom trên Netbook với bộ xử lý Cortex A9 – mà theo họ là tăng gấp đôi khả năng xử lý của Atom với một lượng điện không lớn lắm. 

Tuy nhiên, tính năng gây tò mò nhất của A9 là việc ARM sẽ cung cấp nó mà không kèm theo bất kỳ quy định ngặt nghèo nào như Atom. 

Theo Intel, bất kỳ hãng nào muốn sản xuất máy tính sử dụng Atom đều phải có màn hình không lớn quá 10.2 inch (mặc dù điều này có thể thương lượng được), ổ cứng không quá 160GB, không quá 2GB RAM và đồ họa tích hợp không quá DirectX 9. Tại sao? Bởi Intel không muốn bộ xử lý Netbook rẻ tiền này ăn mất phần laptop đắt tiền. 

\"/\"Còn ARM thì lại chỉ muốn bán được nhiều hàng. Sau khi ký hợp đồng và trả tiền, nhà sản xuất có thể thoải mái dùng Cortex A9 trong máy chủ, desktop, điện thoại di động hay thậm chí cả robot. ARM nhận định đây là một lợi thế lớn của họ trong trận chiến này. 

“Đây là một cơ hôi tốt cho ARM bởi chúng tôi cung cấp chip cho nhà sản xuất, nhưng họ vẫn được toàn quyền sáng tạo như với PC và smartphone,” Bob Morris, giám đốc bộ phận sản phẩm di động của công ty cho biết. “Chúng tôi có những sản phẩm giá $20, còn Atom của Intel thì chỉ xuất hiện trong những hệ thống giá dưới $200.”

Tất nhiên, Intel vẫn có một vũ khí khác là Windows – một hệ điều hành đang lấn sân Linux chỉ một năm sau khi Microsoft cho phép sử dụng XP trên Netbook. 

Tuy nhiên, Google cũng vừa xác nhận rằng hệ điều hành Chrome OS của họ sẽ chạy trên cả x86 lẫn chip ARM, và họ cũng đã ký hợp đồng với một loạt nhà sản xuất Netbook trong đó có Asus, Acer và HP, với mục đích cạnh tranh với Windows. 

Mặt khác ARM lại không phải là một hãng mới thành lập với một vài ý tưởng tốt và vài tỉ đôla đầu tư.   

\"/\"Các bộ xử lý của họ đang được sử dụng cho rất nhiều smartphone, trong đó có iPhone và Palm Pre, cũng như các sản phẩm cao cấp nhất từ Nokia, Samsung và Sony Ericsson.

Sự thành công của họ chủ yếu đến từ chiến lược phân khúc thị trường, từ đó thiết kế bộ xử lý rồi cấp phép những thiết kế này cho các công ty khác như Motorola và Samsung. Do đó, giá chung của chip sẽ rẻ hơn nhiều so với Atom – lợi thế lớn cho những nhà sản xuất muốn tạo ra những chiếc laptop giá £100.

ARM còn là một công ty trị giá vài tỉ đôla với công nghệ đã được khẳng định, môi trường hợp tác tốt, cộng với một sản phẩm sáng tạo nhằm vào một thị trường lớn.   

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nếu Intel không để mắt đến mối đe dọa này, rất có thể khoản tiền phạt $1.54 tỉ của họ cũng chẳng thấm vào đâu. 

 \"/\"