25 sản phẩm công nghệ đáng tự hào nhưng lại không thể tồn tại

Thế giới công nghệ luôn đầy ắp những sản phẩm vô cùng sáng tạo nhưng vẫn thất bại từ những công ty không còn tồn tại hoặc đã bị mua lại và gạt ra ngoài lề. Dưới đây là bản tóm tắt những sản phẩm đáng nhớ nhất và lớn lao nhất từ những công ty như thế, cũng như những đóng góp của chúng trong việc định hình thế giới hiện tại và những sai lầm khiến chúng không thể cất cánh.

Điều thú vị là hầu hết những gì phổ biến ngày nay đều dựa trên những ý tưởng sáng tạo hồi thập niên 1980 và 1990. 

1) Ashton-Tate Corp. dBase II

Nguyên nhân qua đời: Borland và sự kiêu căng

Hồi đầu thập niên 1980, dBase II đáng kính (chưa từng có dBase 1 nhưng lại có v.2) là ngôn ngữ lập trình cơ sở dữ liệu phổ biến nhất cho PC. Ngôn ngữ này được nghiên cứu trên toàn thế giới và sử dụng để xây dựng hàng ngàn chương trình cho đủ loại ứng dụng. Cuối cùng, công ty này được bán lại cho Borland vào năm 1991. Khi đó Borland có một sản phẩm cạnh tranh mang tên Paradox, nhưng các nhà phát triển ban đầu đã rời bỏ Ashton-Tate.

 \"/\"

2) AST Research – card mở rộng ngoại vi 

Nguyên nhân qua đời: khả năng tích hợp tốt hơn các thiết bị ngoại vi vào bo mạch chủ PC  

Trở lại thời PC còn có 8 bit, khi đó chúng không có nhiều Ram hoặc cổng ngoại vi. AST là một trong những công ty đầu tiên giới thiệu một dòng card mở rộng đa dạng. Cái tên của công ty là chữ viết tắt của tên ba nhà sáng lập: Albert Wong, Safi Qureshey và Thomas Yuen, khi đó cũng nổi tiếng như Brin và Page hiện nay. Các card này thường có đến 384KB RAM, cổng song song và cổng nối tiếp, và Ắc quy đồng hồ lưu trữ. Nhưng khi các hãng PC ngày càng đưa nhiều thứ vào sản phẩm của mình thì sự cần thiết của những chiếc card này cũng biến mất. Công ty chuyển thành một hãng OEM PC và cuối cùng bị Samsung mua lại vào năm 1996 rồi biến mất hoàn toàn vào năm 2001. 

\"/\" 

3) Banyan Systems Inc.: hệ điều hành mạng VINES 

Nguyên nhân qua đời: Microsoft và các ông lớn khác  

\"/\"Khi mạng LAN còn đang ở dạng sơ khai, Banyan chuyên giúp xây dựng những mạng lớn hơn với những máy chủ liên kết nối trải rộng trên nhiều thành phố. Họ có một bộ phận dịch vụ thư mục tuyệt hảo mang tên StreetTalk từ lâu trước khi Microsoft nghĩ ra Active Directory, và đã tự xây dựng phần cứng máy chủ cho riêng mình từ lâu cho đến khi Compaq và các công ty khác thuyết phục họ trở thành một công ty chuyên về phần mềm. Họ còn đào tạo cả  Jim Allchin, người sau đó chuyển sang Microsoft để nghiên cứu Windows NT vào năm 1990 (và thật mỉa mai bởi chính Windows NT đã đẩy nhanh ngày tàn của Banyan). Công ty này đã có một hệ thống khách hàng trung thành, nhưng như thế vẫn chưa đủ để họ vượt qua thiên niên kỷ mới.  

 

4) Bridge Communications – Phần mềm routing mạng

Nguyên nhân qua đời: 3Com

Trước khi Cisco ra đời, một trong những công ty đầu tiên phát triển những Router mạng là Bridge Communications -- một công ty được Judy Estrin và Bill Carrico thành lập vào năm 1981. Đến năm 1987, công ty này sát nhập với 3Com và để mất vị trí dẫn đầu về tay Cisco và các hãng khác. Trớ trêu thay, Estrin tiếp tục trở thành CTO của Cisco vào cuối thập niên 1990 và sáng lập một loạt nhà cung cấp mạng khác.   

 \"/\"

5) Cabletron Systems – Switch 10BaseT Ethernet 

Nguyên nhân qua đời:  kiêu căng và phi pháp

Thời đỉnh cao, công ty này là một trong những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng Ethernet lớn nhất thế giới, và cũng là một trong những công ty đầu tiên đứng sau tiêu chuẩn 10BaseT Ethernet cho phép sử dụng một Hub trung tâm thay vì một mạng cáp đồng trục như trước. Đáng chú ý không kém là Craig Benson, người sau này trở thành thống đốc bang New Hampshire, một trong những giám đốc công nghệ đầu tiên tham gia chính trường. Công ty này tồn tại đến năm 2000, trở thành Enterasys và vẫn giữ lại một số sản phẩm cũ. 

 \"/\"

6) cc:Mail – desktop email

Nguyên nhân qua đời: Internet và cạnh tranh nội bộ

Khi LAN vẫn là một khái niệm mới mẻ, hệ thống mail được sử dụng trên LAN phổ biến khi đó là cc:Mail. Ở thời hoàng kim có hơn 2 triệu máy để bàn sử dụng hệ thống này. Lotus Development mua lại công ty này vào năm 1991 và phiên bản cuối cùng phát hành năm 2000. Rõ ràng hệ thống này không hề phù hợp với Lotus và Notes/Domino, và chưa từng hòa nhập được với văn hóa của họ. Khi mạng Internet ngày càng đóng vai trò quan trọng và Microsoft bắt đầu đầu tư vào Exchange, các công ty bắt đầu rời bỏ cc:Mail để đến với những lựa chọn khác.

 \"/\"

7) Columbia Data Products – PC nhái

Nguyên nhân qua đời: IBM

Chiếc máy nhái PC IBM đầu tiên mang tên Columbia MPC 1600 ra mắt tháng 6/1982, được cài tiến dựa trên chiếc IBM 5150 nguyên thủy, thêm bộ nhớ và khe cắm mở rộng. Tuy về mặt kỹ thuật thì công ty này vẫn còn tồn tại nhưng thực chất họ đã ngừng sản xuất PC từ năm 1987. Trớ trêu thay, chính sự cởi mở ban đầu của IBM đã khuyến khích sự tồn tại của dòng PC này, và cũng chính nó đã khiến IBM phải bán lại bộ phận PC cho Lenovo vài năm sau đó. Columbia cũng là hãng sáng tạo nên Giao diện SCSI , sau đó bán lại bản quyền cho hãng sản xuất phần cứng Western Digital.

 \"/\"

8) Compuserve Inc. – nhà cung cấp mạng dial-up 

Nguyên nhân qua đời: Internet và AOL

Tuy một phần công ty này vẫn tồn tại nhưng bộ phận mạng dial-up Compuserve thì không. Khởi nghiệp vào thập niên 1980, Compuserve duy trì một số lượng khổng lồ modem tại hầu hết các thành phố lớn ở Mỹ, biến nó trở thành một trong những mạng dial-up phổ biến nhất thế giới. Họ còn có phần mềm khách riêng để truy cập mạng mang tên Compuserve Information Manager, và hệ thống username gồm toàn các chữ số như 765432,111. Đỉnh điểm công ty này còn điều hành cả một mạng lưới cung cấp thẻ tín dụng. Ngoài ra họ còn là một trong những nhà cung cấp email đầu tiên cho khách hàng của mình, và một trong những hãng đầu tiên cung cấp dịch vụ Internet vào năm 1989 và nổi tiếng về forum thảo luận về nhiều vấn đề nóng hổi khi đó. Nhưng kết quả công ty này vẫn bị bán lại cho AOL vào năm 1998, và cùng với kỷ nguyên chiếm hữu của Internet – lùi dần vào quá khứ.   

 \"/\"

9) Digital Communications Associates – bảng mạch Irma PC 3270 cho mạng PC

Nguyên nhân qua đời: sát nhập tùy tiện, sự phổ biến của mạng LAN đồng bộ và mainframe không hoạt động

Khi cuộc cách mạng PC mới bắt đầu hồi đầu thập niên 1980, một trong những thách thức lớn nhất là giúp chúng tương thích với mainframe IBM và mô phỏng với máy đầu cuối 3270. Công ty hàng đầu trong lĩnh vực này là DCA, tác giả của bo mạch phần cứng và dòng sản phẩm phần mềm Irma. Năm 1994, DCA bị Attachmate mua lại và từ đó nhãn hiệu này biến mất trên thị trường. Sự thực là văn hóa của hai công ty này rất khác nhau, và Attachmate đã loại bỏ rất nhiều vị trí trùng của DCA bởi cả hai cùng bán một bộ sản phẩm như nhau. Nhiều tài năng của DCA đã rời bỏ công ty và tự mở hãng riêng hoặc làm việc cho những công ty lớn khác.  

 

10) Digital Equipment Corp.: máy tính mini PDP-11 

Nguyên nhân qua đời: PC xuất hiện

Có lẽ không một hãng máy tính nào có được một chiếc máy tính đặc biệt và mang tính biểu tượng lớn như PDP11 của DEC. Loại máy tính này đã từng được sử dụng trong các trường đại học và các phòng thí nghiệm hồi cuối thập niên 1970. Với kích thước bằng nửa cái tủ lạnh, loại PC này có 16 bit, có cấu trúc bộ nhớ chia sẻ và đặc biệt là rất bền.    

 \"/\"

11) First Virtual Holdings Inc. – hệ thống thanh toán qua Internet 

Nguyên nhân qua đời: bong bóng dotcom nổ tung năm 2001, việc sử dụng thẻ tín dụng qua Internet  

\"/\"Một trong những đối thủ đầu tiên trong trận chiến thanh toán qua Internet là First Virtual, công ty đã phát triển một loạt các giao thức năm 1994 chuyên về trao đổi tin nhắn một cách an toàn nhằm trả tiền mua hàng hóa và dịch vụ qua mạng. Hệ thống này không sử dụng mã hóa mà dùng các tiêu chuẩn và email mở. Nhưng bất chấp sự tinh tế và trí tuệ của mình,công ty vẫn bị bán lại cho Doubleclick năm 2001 sau khi làn sóng sử dụng thẻ tín dụng qua Internet càn quét khắp thế giới nhờ tính thuận tiện và phổ thông của nó. Hiện dấu vết của công nghệ này vẫn còn sót lại trong Paypal và là tiền thân của nhiều sản phẩm thương mại trong kỷ nguyên mới. 

12) Hayes Microcomputer Products -- Smartmodem Hayes 2400

Nguyên nhân qua đời : kết nối băng thông rộng và việc tích hợp modem vào bo mạch chủ 

Vào thời mà kết nối dial-up còn thống trị, khi mà DSL hay băng thông rộng chưa được phát minh thì đây là sản phẩm mà ai có PC cũng phải dùng đến. Con số 2400 ám chỉ 2400 bps, chậm hơn cả tốc độ truyền dữ liệu của mạng điện thoại di động ngày nay. Dennis Hayes là thủ lĩnh đầy nhiệt huyết của công ty, nhưng sau đó công nghệ băng thông rộng và việc đặt cược sai lầm vào ISDN đã khiến ông vấp ngã. Công ty này biến mất vào năm 1999, mặc dù Zoom Technologies đã mua lại cái tên Hayes và sử dụng chúng trên sản phẩm của mình.

 \"/\"

 13) Intermind Corp. Communicator – công nghệ Push 

Nguyên nhân qua đời: công nghệ độc quyền

Cuối thập niên 1990, công nghệ Push đang trên đà phát triển và thậm chí có lúc có trên 24 công ty cùng quảng bá sản phẩm của mình. Thậm chí Push còn lên bìa tạp chí Wired năm 1997. Những thiết bị này có khả năng gửi các bản cập nhật đến desktop mà không cần nhờ đến sự can thiệp của người dùng. Nội dung web sẽ tự gửi đến và các hãng tin vô cùng thích thú với ý tưởng này. Nhưng rồi Push nhanh chóng sụp đổ bởi việc áp dụng rất phức tạp và người dùng thì tránh xa, và hầu hết các công ty khi đó đầu tư vào marketing nhiều hơn vào công nghệ. BackWeb là một trong số ít công ty vẫn cung cấp công nghệ Push và được nhiều hãng thuê để tự động cập nhật driver của họ. 

 

14) General Magic Magic Cap/Telescript – PDA dựa trên đám mây ‘Cloud’

Nguyên nhân qua đời: tính tự kiêu và công nghệ độc quyền

Trước Java là thời thống trị của General Magic Telescript,một ngôn ngữ lập trình nền tảng chéo có tích hợp một thứ mà chúng ta gọi là liên kết đám mây. General Magic cũng được một số ông lớn như Sony và AT&T đỡ đầu. Thiết bị này được giới thiệu năm 1994 và tạo nên cơn sốt lớn, nhưng đến năm 2002 lại hoàn toàn biến mất do quá phụ thuộc vào mạng di động AT&T và việc thiếu ứng dụng. 

Tuy nhiên chúng cũng có giá trị báo trước khả năng sử dụng ứng dụng và dịch vụ web của PDA và smartphone. Một phần công nghệ này vẫn tồn tại trong phần mềm nhận diện giọng nói Onstar của General Motors. Và những người sáng lập công ty vẫn tiếp tục phát triển các bộ phận trong iPhone, Sidekick, Android của Google,và khởi lập eBay. 

 \"/\"

15) Madge Networks – token ring và cơ sở mạng lưới ATM 

Nguyên nhân qua đời: Ethernet, không phải một mà những hai lần

Công nghệ mạng địa phương lớn nhất thập niên 90 không phải là Ethernet mà là một tiêu chuẩn do IBM hỗ trợ mang tên token ring, vừa đắt lại vừa lắm dây nối. Robert Madge là chủ công ty và ông vẫn được nhắc đến nhờ những nỗ lực phát triển trong lĩnh vực này, trong đó có việc cấp bản quyền cho Cisco. Khi token ring không còn được ưa chuộng, công ty chuyển sang thiết kế thiết bị cho mạng ATM ( Asynchronous Transfer Mode ) , nhưng rồi mạng này cũng bị Ethernet qua mặt. Cuối cùng công ty đóng cửa vào năm 2003.   

 \"/\"

16) Netscape Communications – trình duyệt Navigator 

Nguyên nhân qua đời: Microsoft và sự tự kiêu

Trình duyệt web thời kỳ đầu thường rất thô sơ, chạy bằng dòng lệnh và không hiện đồ họa. Vậy là một nhóm các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ứng dụng siêu máy tính quốc gia đã quyết định cùng phát triển môt trình duyệt đồ họa vào năm 1993, sau đó nhiều thành viên chuyển sang thành lập Netscape Communications. Nhưng rồi Nestcape bị mắc kẹt trong vụ nổ bong bóng dotcom và âm mưu độc quyền của Microsoft, mặc dù một phần mã vẫn có thể tìm thấy trong Firefox của Mozilla. Công ty này được AOL mua lại và ngừng nghiên cứu trình duyệt vào cuối thập niên 90.  

 \"/\"

17) Osborne Computers – PC Osborne 1

Nguyên nhân qua đời: thông báo trước bản nâng cấp

Trở lại thủa bình minh của PC, khi đó chúng ta chưa có laptop mà chỉ có loại PC “cầm tay” nặng 15kg. Adam Osborne là một trong những người tiên phong tạo nên chiếc PC này, với 64 kilobytes RAM và màn hình 5 inch đơn sắc, tương đương với kích thước của một chiếc PDA ngày nay. Năm 1981 chiếc Osborne 1 có giá $1800 và điều đáng kể chính là những phần mềm tích hợp trong đó – tất nhiên là trên đĩa mềm. Đáng tiếc năm 1983 Osborne lại thông báo trước phiên bản mới của loại PC này khiến doanh số nhanh chóng sụt giảm và công ty phải đóng cửa. 

 \"/\"

18) Poqet PC -- PC siêu nhỏ gọn

Nguyên nhân qua đời: Fujitsu

Chiếc PC nửa-notebook đầu tiên sử dụng pin AA là chiếc PC Poqet, giới thiệu năm 1989. Trông nó giống một thứ đồ chơi trẻ con hơn, nhưng vào thời đó thì đây là một sản phẩm rất sáng tạo và là tiên thân của netbook cũng như PDA và các thiết bị Windows CE khác. 

 \"/\"

19) Radiomail Corp. – email không dây 

Nguyên nhân qua đời: Research in Motion

Loại smartphone Blackberry đang chiếm giữ danh sách những sản phẩm bán chạy nhất. Nhưng ít ai biết tiền thân của nó là một phần mềm của Radiomail Corp., chuyên dùng cho thiết bị không dây Mobidem và sử dụng một chiếc máy tính HP nhỏ được gọi là Viking Express (ảnh).

Đây là một trong những công ty đầu tiên biết cách đưa email lên thiết bị không dây. Nhưng sáng chế này không bao giờ được cấp bằng do triết lý sống của nhà sáng lập Geoff Goodfellow. Trớ trêu thay, sau khi Research in Motion – tác giả của Blackberry – trở nên nổi tiếng, họ đã phải trả $615 triệu để được quyền sử dụng chính công nghệ đó cho thiết bị của mình.

 \"/\"

20) Radish Communications -- VoiceView kết hợp cả dữ liệu và âm thanh

Nguyên nhân qua đời: phần cứng có độc quyền

Đây là nỗ lực ban đầu nhằm đưa cả dữ liệu và âm thanh lên cùng một đường điện thoại, từ lâu trước khi VOIP trở thành hiện thực. Khi đó bạn phải dùng một cặp thiết bị dạng modem này ở hai đầu cuộc gọi, và đây chính là vấn đề, bởi các giao thức đều phải trả phí. Đến năm 1995, công ty bị bán lại cho SystemSoft và công nghệ của họ được đưa vào những sản phẩm điện thoại cao cấp hơn.   

 \"/\"

21) Santa Cruz Organization SCO Unix/Xenix – hệ điều hành

Nguyên nhân qua đời: có những hành vi bất lương

Trước khi Linux xuất hiện là thời của Unix, và công ty đã đưa Unix đến với người dùng phổ thông chính là SCO. Trước SCO, hãng Unix lớn nhất là AT&T hoặc các phần cứng máy tính mini. Những bản hệ điều hành đầu tiên ra đời khá là khó sử dụng và cần hiểu biết nhất định, nhưng sau khi setup chúng sẽ chạy mãi mãi. Năm 2001 SCO bán bản quyền Unix cho Caldera Systems do Ray Noorda sáng lập, và từ đây khơi mào một cuộc chiến pháp lý kéo dài với gần như tất cả những công ty liên quan đến Unix.   

 \"/\"

22) Software Arts – phần mềm bảng tính VisiCalc 

Nguyên nhân qua đời: Lotus 1-2-3

Ứng dụng lớn nhất đầu tiên cho PC là phần mềm bảng tính VisiCalc do Dan Bricklin và Bob Frankston phát triển. VisiCalc chưa bao giờ được đăng ký bản quyền (khi đó không có cái gọi là bản quyền phần mềm) và các phiên bản sau này, trong đó có Lotus 1-2-3 đã có nhiều cải tiến và giúp chúng trở nên phổ biến.  ,  

 \"/\"

23) Softword Systems Inc. – phần mềm xử lí văn bản Multimate 

Nguyên nhân qua đời: Ashton-Tate và sau đó là Borland

Năm 1984, chương trình xử lí văn bản phổ biến nhất là Multimate, chủ yếu bởi nó bắt chước các lệnh người dùng của máy xử lý word Wang. Thời kỳ đầu, một hãng phần mềm sẽ phải phát hành nhiều bản khác nhau cho mỗi OEM PC. Nhưng chính sự nổi tiếng của nó đã khiến nó trở thành đối tượng mua lại của Ashton-Tate. Cuối cùng, Tate lại được bán cho Borland và sản phẩm này biến mất.

\"/\" 

24) Thomas Conrad Corp. – mạng Arcnet được Compaq mua lại

Nguyên nhân qua đời: Ethernet rẻ hơn và nhanh hơn

Thomas Conrad là một trong những công ty nổi tiếng nhất hồi đầu thập niên 80 với tiêu chuẩn mạng Arcnet, có khả năng chạy qua cáp TV. Và cũng như các adapter mạng thời điểm đó, bạn phải thiết lập các công tắc để cấu hình trước khi cài lên PC. Đây là một giải pháp thay thế rẻ hơn cho token ring của IBM và Ethernet. Nó cũng là tiền thân của topology 10BaseT hiện tại. Nhiều mạng Novell ban đầu chạy trên thiết bị Thomas Conrad Arcnet. Nhưng khi Ethernet trở nên rẻ hơn và nhanh hơn với 100BaseT thì công nghệ này cũng bị bỏ quên.

 \"/\"

25) Stac Electronics – phần mềm nén đĩa

Nguyên nhân qua đời: Microsoft, việc tích hợp vào hệ điều hành  

Khi ổ cứng chỉ có 20 megabyte, một công ty ở phía nam California đã phát minh ra một phần mềm đặc biệt có khả năng tăng gấp đôi không gian lưu trữ. Stac tồn tại đến năm 2002 và trở thành nạn nhân của Microsoft khi công ty này muốn đưa tính năng tương tự vào MS DOS v 6.0. Tuy thắng kiện $120 triệu nhưng công ty không bao giờ hồi phục bởi ổ cứng ngày càng trở nên lớn hơn và rẻ hơn. Cuối cùng Altiris mua lại bản quyền phần mềm này và giờ đây hầu hết các hệ điều hành đều có cài sẵn phần mềm nén, nhờ công nghiên cứu của Stac.   

\"\"\"\"